Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri các huyện: Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Võ Nhai

*Cử tri xã Phú Thịnh (Đại Từ) đề nghị tỉnh quan tâm sửa chữa, cải tạo hệ thống rãnh thoát nước hai bên Đường tỉnh 264 (đoạn qua địa phận xóm Phố).

*Cử tri xã Phú Thịnh (Đại Từ) đề nghị tỉnh quan tâm sửa chữa, cải tạo hệ thống rãnh thoát nước hai bên Đường tỉnh 264 (đoạn qua địa phận xóm Phố).

Trả lời: Ngày 16/02/2023, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND xã Phú Thịnh kiểm tra nội dung kiến nghị của cử tri. Sau khi kiểm tra, các bên thống nhất: ĐT.264 đoạn đi qua địa phận xóm Phố, xã Phú Thịnh (Km1+850 - Km2+114), là khu vực tập trung đông cư, có nhiều hàng quán hai bên đường. Hiện tại, hệ thống rãnh dọc thoát nước hai bên đường là rãnh đất (một số vị trí các hộ dân tự xây để có đường vào nhà), có tình trạng ngập úng khi mưa to, các hộ dân xả nước thải ra rãnh làm mất vệ sinh môi trường.

Việc xây dựng rãnh dọc đoạn này là cần thiết. Tuy nhiên, do nhu cầu sửa chữa các tuyến đường giao thông lớn, hàng năm, ngân sách tỉnh mới đáp ứng được từ 40- 50% nhu cầu.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và giao cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ vào mức độ ưu tiên để cân đối lập kế hoạch sửa chữa trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

*Cử tri xã Thượng Đình (Phú Bình) đề nghị khảo sát và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Thượng Đình (đoạn Quốc lộ 37 đi Trường THCS, Tiểu học, Mầm non xã Thượng Đình).

Trả lời: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 21/3/2023, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND xã Thượng Đình kiểm tra nội dung kiến nghị của cử tri. Kết quả kiểm tra: Ngã tư Thượng Đình (giao giữa QL.37 và đường đi Trường THCS, Tiểu học, Mầm non xã Thượng Đình) có lưu lượng giao thông tăng đột biến vào khung giờ tan trường, trên đường nhánh chưa có biển báo giao nhau với đường ưu tiên, trên QL.37 đã đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (các loại biển báo hiệu, gờ giảm tốc).

Mong muốn của cử tri là lắp đặt hệ thống đèn vàng trên tuyến QL.37 nhằm cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông qua nút giao này. Việc lắp đặt hệ thống đèn cảnh báo màu vàng tại nút giao này (Km111+850/QL.37) là rất cần thiết.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

*Cử tri xã Bảo Linh (Định Hóa) đề nghị tỉnh rà soát, phân rõ ranh giới 3 loại rừng cho phù hợp với thực tiễn sử dụng của địa phương; xem xét tăng diện tích rừng sản xuất để người dân có thể tăng thu nhập từ rừng, góp phần ổn định đời sống.

Trả lời: Theo Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh, diện tích rừng của xã Bảo Linh là 2.121,6ha, trong đó rừng sản xuất là 251,3ha.

Thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo rà soát quy hoạch 3 loại rừng, trong đó có xã Bảo Linh.

Việc rà soát 3 loại rừng đưa vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 đảm bảo các tiêu chí quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Kết quả sau rà soát đề nghị điều chỉnh, tổng diện tích 3 loại rừng của xã Bảo Linh là 1.738,41ha (giảm 383,19ha), trong đó, rừng sản xuất 276,48ha (tăng 25,18ha).

Ngoài ra, đối với diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng, người dân vẫn thực hiện trồng rừng và khai thác gỗ để phát triển kinh tế theo quy định tại Điều 55, Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 20, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

*Cử tri xã Phú Thượng (Võ Nhai) đề nghị tỉnh nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số không nằm trong các khu vực quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời: Theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn một số hoạt động lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025: Đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc các xã khu vực II, khu vực III có các hoạt động về lâm nghiệp được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Mức hỗ trợ cho các hoạt động về lâm nghiệp (khoán bảo vệ rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; cấp chứng chỉ rừng bền vững; bảo vệ rừng tại cơ sở; hỗ trợ thực hiện trồng cây phân tán…) được quy định cụ thể từ Điều 7 đến Điều 13, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngoài ra, ngày 19/01/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ phát triển cây quế, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đối tượng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao hoặc được thuê, được giao khoán sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202307/ket-qua-giai-quyet-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-cac-huyen-dai-tu-phu-binh-dinh-hoa-vo-nhai-4e40d29/