Kết quả bầu cử khu vực tại Đức: Thấy gì qua 'nhiệt kế' Bavaria và Hessen?

Sau cuộc bầu cử khu vực hôm Chủ nhật (8/10) ở Đức, phe bảo thủ và cánh hữu đã ăn mừng chiến thắng tại Bavaria và Hessen. Và, vì kết quả ở hai bang giàu có này thường được coi là phong vũ biểu cho tâm trạng của cả nước, giới quan sát nhận định cử tri Đức đang chuyển hướng rõ rệt sang cánh hữu.

Bản báo cáo thất vọng

Cuộc bầu cử khu vực tại các bang hôm Chủ nhật vừa qua đóng vai trò như một bản báo cáo giữa kỳ cho Thủ tướng Olaf Scholz. Và, theo những gì ghi nhận được thì báo cáo ấy chứa đầy nỗi thất vọng.

Một phòng bỏ phiếu tại Rottenburg an der Laaber, bang Bavaria, Đức. Ảnh: New York Times

Khoảng 9,4 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu cho cơ quan lập pháp bang mới ở Bavaria và khoảng 4,3 triệu người ở bang Hesse lân cận - khu vực bao gồm thủ đô tài chính của Đức, Frankfurt. Cả hai bang vốn đều được lãnh đạo bởi khối liên minh đối lập chính của đất nước, bao gồm đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU).

Theo các kết được kênh truyền hình DW của Đức công bố, Đảng CDU bảo thủ do Thủ hiến bang Hesse, Boris Rhein lãnh đạo, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở bang này khi giành được 34,6% phiếu. Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) giành được 18,4% số phiếu, đứng thứ hai.

Tại Bavaria, Đảng CSU bảo thủ của Thủ hiến bang Markus Soders cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với 37% phiếu bầu. Đảng Cử tri Tự do (FW) cánh hữu đứng ở vị trí thứ hai với 15,8% và đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cực hữu nhận được 14,6%.

Những kết quả này là một đòn giáng mạnh vào cả 3 đảng trong liên minh quốc gia do cánh tả của Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo. Trong đó, đảng Dân chủ xã hội (SPD) trung tả của ông Scholz chỉ giành được 8,4% số phiếu tại bang Bavaria và về thứ ba ở bang Hessen, với tỷ lệ phiếu bầu 15,1%.

Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo của Thủ hiến bang Bavaria, Markus Soders (đứng giữa), giành thắng lợi khi nhận được 37% số phiếu. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ 15,1% của SPD - giảm 4,7% so với kết quả năm 2018 - cũng là một đòn giáng mạnh vào Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser, người mà chiến dịch tranh cử lãnh đạo bang đã bị cản trở bởi những lời chỉ trích về cách bà xử lý làn sóng di cư bất thường gia tăng. Bà Faeser như vậy không thể hoàn thành mong muốn đảm nhận chiếc ghế thủ hiến ở quê nhà (nữ chính trị gia này sinh ra tại thị trấn Bad Soden, bang Hessen).

Hai đảng còn lại trong liên minh cầm quyền hiện tại của Chính phủ Đức cũng thất bại nặng nề. Đảng Xanh nhận được 14,4% số phiếu ở Bavaria, qua đó về đích thứ tư. Còn đảng Dân chủ Tự do (FDP) trung hữu thậm chí chỉ nhận được 3%, nghĩa là đảng này không vượt qua ngưỡng để vào Quốc hội bang. Điều tương tự cũng xảy ra tại Hessen, khi FDP đã không đạt được 5% cần thiết để có ghế trong Quốc hội bang này.

Thắng lợi của Đảng Cực hữu

Trong khi cả 3 đảng cầm quyền (đảng SPD, đảng Xanh và đảng FDP) đều mất phiếu, ít nhất về mặt biểu tượng, thì chiến thắng của phe đối lập trung hữu và đặc biệt là thắng lợi kỷ lục của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cho thấy sự ủng hộ đối với những tư tưởng cực hữu ngày càng lớn do làn sóng giận dữ về số lượng người tị nạn gia tăng.

Thủ hiến bang Hesse, Boris Rhein của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ bày tỏ sự vui mừng trước kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters

AfD giành được 14,6% ở Bavaria và 18,4% ở Hesse, kết quả tốt nhất từ trước đến nay ở một bang phía tây nước Đức. Từ lâu đã có sự hiện diện đáng kể ở miền Đông, giờ đây AfD đang trở thành một lực lượng quốc gia thực sự. Và, những kết quả bầu cử này càng đáng nói hơn khi biết rằng, từ năm 2021, Cục Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV), đã đưa các đảng viên AfD vào diện đối tượng nghi vấn đối với nền dân chủ.

Động thái này cho phép giới chức an ninh Đức sử dụng các công cụ tình báo để theo dõi tổ chức đảng cũng như các thành viên của AfD. Sở dĩ BfV, cơ quan tình báo nội địa Đức, có thể đưa ra quyết định như vậy là bởi họ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 2 năm và thu thập được rất nhiều bằng chứng, tài liệu cho thấy tư tưởng cực đoan, thậm chí là mang màu sắc phát xít mới của các đảng viên đảng này.

Nhưng, bất chấp những lo ngại về xu hướng cực đoan của AfD mà giới chức an ninh Đức chỉ ra, đảng này vẫn giành được số phiếu bầu ấn tượng trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng ngày một lớn của đảng cực hữu này, mà trong đó quan điểm chống nhập cư có thể xem như trụ cột giúp họ thu hút phiếu bầu.

Bà Alice Weidel, đồng chủ tịch Đảng AfD ăn mừng khi Đảng Cực hữu này giành số phiếu cao chưa từng có tại bang Bavaria. Ảnh: DW

Do đó, không ngạc nhiên khi Alice Weidel, đồng chủ tịch đảng AfD đã hào hứng phát biểu sau khi có kết quả bầu cử tại Bavaria và Hessen: “Kết quả kiểm phiếu của chúng tôi cho thấy các chính sách của AfD là đúng đắn... và AfD đã sẵn sàng làm nhiều hơn nữa”.

Trong khi đó, người đứng đầu AfD tại Quốc hội Đức, Bernd Baumann, nói rằng “ở Đức, gió đang đổi chiều - nó đang chuyển từ trái sang phải”. Theo ông Baumann, phe đối lập bảo thủ chính thống, vốn đã chỉ trích chính phủ về vấn đề người di cư, đang “xoay theo chiều gió và AfD là cơn gió”.

Dù sự vươn lên của AfD không phải là yếu tố quyết định chính phủ mới của các bang, vì các đảng khác đã và sẽ từ chối hợp tác với đảng này trong việc thành lập liên minh cầm quyền, song điều đó cũng khiến chính trường Đức khó hình thành đa số ổn định hơn.

Khó khăn chờ liên minh cầm quyền

Theo giới quan sát, kết quả bầu cử khu vực tại các bang vừa qua nhấn mạnh sự bất mãn lan rộng của người dân đối với chính phủ của Thủ tướng Scholz, một liên minh rất khó khăn giữa các đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cấp tiến, điều chưa từng có trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến.

Kết quả bầu cử bang Bavaria và Hessen là nỗi thất vọng đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.Ảnh: FT

Di cư, lạm phát, chi phí năng lượng cao và suy thoái kinh tế kéo dài đã đè nặng lên tâm trạng của cử tri và khiến họ quay lưng lại với các đảng cầm quyền trong chính phủ. Người ta cũng cảm thấy thất vọng nhiều về những tranh cãi và cạnh tranh nội bộ liên tục giữa các đối tác liên minh, đặc biệt là về kế hoạch thay thế hệ thống sưởi ấm dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng các giải pháp năng lượng xanh.

Nghị sĩ Lars Klingbeil, một trong những lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cho biết các cử tri đã gửi “tín hiệu tới 3 đảng (cầm quyền) rằng cần phải có tốc độ khác nhau khi giải quyết các vấn đề của người dân ở đất nước này”.

Ông Klingbeil nhấn mạnh: “Nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã góp phần khiến tình hình trở nên như hiện tại; đó không phải là lỗi của (liên minh), nhưng chúng ta phải giải quyết nó... và tôi mong đợi một tốc độ khác và một phong cách khác so với những tháng gần đây từ chính phủ”.

Đồng quan điểm, Kevin Kühnert, Tổng thư ký SPD cho biết: “Chúng tôi không bị điếc và mù. Có một thông điệp dành cho chúng tôi trong kết quả bầu cử này”. Trong khi đó, Omid Nouripour, đồng lãnh đạo quốc gia của đảng Xanh, cũng nhận định: “Thắng lợi của AfD thực sự đáng báo động đối với chúng tôi và chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để lấy lại niềm tin của người dân”.

Mặc dù kết quả ở Bavaria không ảnh hưởng trực tiếp đến chính phủ ở Berlin, nhưng cả 3 đảng trong liên minh quốc gia đều mất tỷ lệ cử tri đáng kể trong cuộc bầu cử. Đảng Dân chủ Tự do cấp tiến FDP, nắm giữ chức vụ quan trọng là Bộ trưởng Tài chính, thậm chí được dự đoán sẽ không vào được Hạ viện vì thành tích bầu cử kém cỏi.

Viễn cảnh đó hứa hẹn nhiều khó khăn đối với Thủ tướng Scholz, người sắp bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm, đặc biệt là vì các đảng ở Bavaria chống lại liên minh của ông ở Berlin. Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến gần đây do ARD-Deutschland Trend thực hiện cho thấy 79% người Đức không hài lòng với liên minh cầm quyền. Và với chỉ 19% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng, chính phủ liên minh của ông Olaf Scholz đang có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ khi được thành lập vào tháng 12/2021.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Philipp Koeker, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hanover của Đức, thì tình hình cũng chưa đến mức quá nghiêm trọng với liên minh cầm quyền. “Chúng ta đang ở giữa nhiệm kỳ lập pháp liên bang, nơi không có gì lạ khi chính phủ có tỷ lệ tán thành thấp và thua trong các cuộc bầu cử cấp bang”, ông Koeker nói. Nhà khoa học chính trị này cũng đồng thời cho rằng Thủ tướng Olaf Scholz vẫn có thể đảo ngược tình hình nếu điều chỉnh kịp thời các chính sách liên quan đến các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là người di cư, công nghiệp và năng lượng.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/ket-qua-bau-cu-khu-vuc-tai-duc-thay-gi-qua-nhiet-ke-bavaria-va-hessen--i709965/