Kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa

Ngày 7/4, UBND thành phố Thanh Hóa phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức Tọa đàm xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc.

Toàn cảnh Tọa đàm xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 7/4, UBND thành phố Thanh Hóa phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Đình Sơn- Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, mục đích buổi tọa đàm nhằm quảng bá và giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng, đồng thời qua buổi tọa đàm, ngành du lịch Thanh Hóa mong muốn được tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Bắc.

Ông Trần Đình Sơn cho biết, Thanh Hóa không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, mà so với một số tỉnh lân cận, Thanh Hóa có một quần thể di tích, giàu giá trị và đa dạng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa; trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Hàm Rồng – Sông Mã, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ, nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn.

Nơi đây còn ghi dấu những chiến công hiển hách, từng làm chấn động địa cầu được thể hiện qua cây cầu Hàm Rồng sừng sững, khí phách hiên ngang. Thành phố Thanh Hóa còn được biết đến những di tích, danh lam thắng cảnh như: Thái Miếu nhà Hậu Lê - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia…

Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội phát biểu tại tọa đàm Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe... phục vụ phát triển du lịch.

Tuy nhiên, du lịch văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có sự đột phá. Nhận thức của cộng đồng về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch chưa thực sự đầy đủ. Nguồn lực đầu tư cho các di tích danh thắng, di sản văn hóa còn hạn hẹp. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, thách thức; số lượng di tích xuống cấp hoặc bị xâm phạm vẫn còn xảy ra...

Đại diện doanh nghiệp lữ hành Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn mổ xẻ các vấn đề của du lịch Thanh Hóa; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với du lịch Thanh Hóa hiện nay, để làm cơ sở gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới.

Đặc biệt, các ý kiến nêu nên vấn đề đâu là tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch Thanh Hóa; phát triển hàng không gắn với phát triển du lịch Thanh Hóa; Những khó khăn hiện tại cần tháo gỡ của doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa tại Thanh Hóa… đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp đều cho rằng, nhiều điểm đến, đặc biệt là các khu, điểm du lịch, dù đã cố gắng đưa văn hóa vào các hoạt động trải nghiệm cho du khách nhưng định hướng phát triển, cách thức tổ chức chưa thực sự bài bản, nên vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

Với tiềm năng lớn, song làm sao để tiềm năng văn hóa ấy trở thành sản phẩm du lịch “đặc sản”, buộc khách phải “rút ví” để trải nghiệm, thì có lẽ chưa điểm đến nào làm được điều đó.

Để phát triển du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Thanh Hóa nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa vẫn được xác định là trọng tâm khai thác. Tỉnh Thanh Hóa và ngành văn hóa thể thao du lịch cũng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp; trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá với thông điệp “Thanh Hóa - điểm đến an toàn”, đầu tư xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện quy mô lớn để thu hút du khách, tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch nội địa.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn và khôi phục kinh tế du lịch. Tỉnh đã tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, để nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội.

Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách quốc tế đến Thanh Hóa.

Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022 của tỉnh; cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp du lịch và người dân quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách; trong đó, hơn 440 nghìn khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2022./.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-va-hop-tac-phat-trien-du-lich-tinh-thanh-hoa/239650.html