Kết nối tiêu thụ nông sản TP.HCM và Tây Nguyên, điểm nhấn phải đến từ chất lượng

TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên có sự gắn kết từ lâu, bởi một bên là vùng nguyên liệu, cung ứng hàng hóa, nông sản, bên còn lại là đầu mối tiêu thụ, trung chuyển hơn 75% sản lượng hàng hóa này.

Việc gắn kết càng được cụ thể hóa hơn bằng các thỏa thuận hợp tác, kích hoạt động lực tăng trưởng mới để nâng tầm mối quan hệ khăng khít lâu năm, gia tăng liên kết vùng thông qua từng hoạt động cụ thể để kinh tế - xã hội của từng địa phương tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế.

Tạo điểm nhấn từ vùng nguyên liệu…

2 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách của tỉnh Kon Tum ước đạt 621 tỷ đồng, bằng trên 117% cùng kỳ năm 2023. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định với diện tích gieo trồng vụ đông - xuân trên 9.400 ha; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trên 12%; lĩnh vực du lịch sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, dược liệu quý thu hút trên 575.000 lượt khách tăng gần 13%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 51 triệu USD, tăng trên 8% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, dù có một số phát triển tích cực song Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, chưa có nhiều cơ chế, chính sách riêng, đột phá để khai thác các thế mạnh. Điều này khiến Kon Tum tiếp tục đối diện nguy cơ tụt hậu so với các địa phương trong khu vực. Với trụ cột chính là nông nghiệp, cấp thiết nhất lúc này là thông qua việc phối hợp giải bài toán chế biến sâu và tìm đầu ra cho nông sản, dược liệu để gia tăng giá trị kinh tế.

Qua sự hợp tác, hỗ trợ của TP.HCM, phương thức sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên đã dần chuyển sang quy mô tập trung hơn, liên kết đầu ra rõ nét (Ảnh: Quang Anh)

Từ cuối năm 2023, thực hiện các thỏa thuận với TP.HCM đã giúp Kon Tum đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng ổn định vùng nguyên liệu. Quan trọng nhất là đã kết nối thành công với các nhà phân phối và đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị để tiêu thụ. Trong đó, TP.HCM còn có kế hoạch giúp địa phương nâng tầm thương hiệu Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Đảng Sâm,... xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản để tạo điểm nhấn mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đang triển khai 2 hội nghị cấp vùng, thứ nhất là hội nghị “Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum. Trong đó tổ chức hội thảo cấp vùng về phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu trên địa bàn dự kiến cuối năm 2024. Bên cạnh đó, ngay trong tháng 4 ngày với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chúng tôi cũng triển khai hội thảo về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”.

So với những địa phương khác của Tây Nguyên, Đắk Nông có vị trí tiếp giáp với Đông Nam bộ và gần với TP.HCM nhất, sau 20 năm tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. Địa phương này cũng mới thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển cách đây 3 năm.

Theo ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Đắk Nông, từ năm 2020 đến nay, khu vực nông nghiệp giảm xuống còn hơn 39%, thay vào đó là khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Tuy nhiên nông nghiệp vẫn là ngành thế mạnh với nhiều sản phẩm khẳng định thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước, như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chanh dây, khoai lang, bơ, sầu riêng… Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn như: Viet GAP, Global GAP, OCOP... mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Ông Chiến cho rằng, qua sự hợp tác, hỗ trợ của TP.HCM, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã dần chuyển sang quy mô tập trung hơn, liên kết đầu ra rõ nét. Đắk Nông cũng mong muốn vai trò liên kết vùng, TP.HCM sẽ kích hoạt sự phát triển kinh tế nông nghiệp bằng việc hỗ trợ công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số và tiếp cận chuỗi cung ứng.

Đắk Nông kỳ vọng vào vai trò của TP.HCM trong thúc đẩy hình thành tuyến cao tốc xuyên Tây Nguyên để phục vụ giao thương hàng hóa, nông sản.

“Đối với trục cao tốc xuyên Tây Nguyên nối TP.HCM chúng tôi đánh giá đây là cơ sở hết sức quan trọng để vùng Tây Nguyên kết nối TP.HCM nhanh hơn. Khi nguyên liệu hàng hóa hai vùng giao thương nhanh, thuận lợi sẽ là động lực lớn. Đây cũng nằm trong chiến lược phát triển về đường cao tốc mà Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đã thông qua” - ông Chiến nói.

Truy xuất nguồn gốc

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện tại hoạt động cung ứng nông nghiệp tại chỗ cũng khiêm tốn. Chính vì vậy nhu cầu mở rộng thị trường, tiêu thụ trong nước hướng đến đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu thì vai trò hợp tác của TP.HCM với các vùng, trong đó có Tây Nguyên đều thể hiện qua từng dự án của doanh nghiệp cụ thể, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể hỗ trợ cho các tỉnh.

Quan trọng nhất, sự hợp tác thời gian qua đã mang lại những lợi ích cụ thể trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu, mở rộng cho câu chuyện kết nối cung cầu. Từ đó đảm bảo nhu cầu của người dân TP.HCM và xuất khẩu.

Tây Nguyên tạo điểm nhấn từ vùng nguyên liệu đến truy xuất nguồn gốc (Ảnh: Hương Lý)

Ông Hiệp cũng cho rằng, thực tế qua việc phối hợp, hỗ trợ của TP.HCM với các tỉnh Tây Nguyên có thời điểm gặp không ít khó khăn, ngoài tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng hóa, các địa phương còn gặp vấn đề trong duy trì ổn định sản lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước lẫn quốc tế. Vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa cần được giải để tìm tiếng nói chung khi kết nối cung cầu:

“Việc phối hợp của TP.HCM với các tỉnh là ngoài việc chuyển giao công nghệ thì có thể hợp tác kiểm soát được truy xuất nguồn gốc. Chúng ta có thể đảm bảo những công việc đang triển khai đều đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế thì như vậy quay ngược trở lại sẽ đáp ứng được sự kết nối cung cầu và tất cả các bên đều có lợi ích từ sự phát triển này” - ông Hiệp nêu ý kiến.

TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên vừa công bố 558 dự án đầu tư, trong đó chiếm phần lớn ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, hạ tầng giao thông và logistics... Đây cũng là cơ hội để các tỉnh quảng bá, là dịp để đánh giá lại thế mạnh và tiềm năng của từng địa phương. Tuy nhiên các địa phương sớm phải chi tiết hóa quy hoạch tỉnh thành, quy hoạch các vùng sản xuất, vùng kinh tế để đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu kỹ trước khi giới thiệu đến doanh nghiệp. Qua đó giúp những dự án được triển khai phát huy hết công năng, phục vụ nhu cầu tại chỗ lẫn các địa phương trong vùng.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ket-noi-tieu-thu-nong-san-tphcm-va-tay-nguyen-diem-nhan-phai-den-tu-chat-luong-post1087341.vov