Kết nối nguồn lực, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Mekong Connect 2023 năm nay do TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức, với sự tham gia của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với chủ đề 'Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững', Mekong Connect 2023 tập trung khơi mở những hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như những kiến nghị chính sách.CẦU NỐI LIÊN KẾT

Lễ ký kết hợp tác triển khai các nội dung trọng tâm ngành công thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2025.

Mekong Connect 2023 trải qua 4 phiên thảo luận, bàn về 4 chủ đề lớn, xoay quanh về kiến tạo môi trường kinh tế xanh, thị trường tái chế và tín chỉ carbon, giải pháp mở rộng thị trường, giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh; đồng thời, hoạt động triển lãm Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam cũng đã trình diễn những sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế xanh.

Tại đây, Ban Tổ chức cũng giới thiệu cuốn sách “Khởi nghiệp xanh - Hành trình 10 năm kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”. Với nhiều tuyến nội dung đa dạng, Mekong Connect 2023 tập trung khơi mở những hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như những kiến nghị chính sách.

Đặc biệt, trong bối cảnh mối liên kết và kết nối trở thành yếu tố rất quan trọng, diễn đàn nhấn mạnh vào sự cần thiết của hành động để nâng cao chuỗi giá trị trong những lĩnh vực mà vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL tương tác.

Tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, hy vọng Mekong Connect 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, Bến Tre tham gia chương trình hợp tác ABCD Mekong, gồm các tỉnh, thành: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp; các địa phương đã liên kết, cùng nhau xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Nhận thấy những điểm tương đồng, Tỉnh ủy 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Liên kết phát triển toàn diện Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL, với 8 lĩnh vực liên kết. Hằng năm, các tỉnh cùng xây dựng kế hoạch cụ thể các nội dung liên kết để triển khai thực hiện, nỗ lực đưa các hoạt động hợp tác liên kết Tiểu vùng đi vào thực chất.

Trong khuôn khổ hoạt động liên kết, các tỉnh đã tổ chức Hội thảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành dừa, một sản phẩm có thế mạnh của Tiểu vùng; thông qua hội thảo đã phát họa được bức tranh tổng thể ngành dừa của Tiểu vùng hiện nay, đưa những định hướng, giải pháp để góp phần phát triển bền vững chuỗi giá trị dừa trong thời gian tới.

KẾT NỐI NGUỒN LỰC

Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, về mặt tổ chức, Mekong Connect 2023 đã tiến hành các cuộc thảo luận chu đáo, công phu được các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học và doanh nhân tham gia đông đảo, đóng góp ý kiến thẳng thắn và thực chất.

Gian hàng sản phẩm đặc trưng địa phương trưng bày tại diễn đàn.

Cũng cần nói thêm là trước đó, TP. Cần Thơ và cộng đồng doanh nghiệp, VCCI ĐBSCL, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng Ban điều phối Mekong Connect tổ chức các hội thảo “Tiền Mekong Connect” nêu ra nhiều vấn đề cần giải quyết tại Mekong Connect lần này.

Năm nay, Ban điều phối đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển hệ thống dữ liệu về các nhu cầu của doanh nghiệp cả nước với đồng bằng và tại các phiên thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp để các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, các chủ thể OCOP, các start-up tại các địa phương dễ tiếp cận.

Đề cập đến các kiến nghị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ; định hướng các tỉnh ĐBSCL cùng phối hợp triển khai Đề án dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời, hỗ trợ TP. Cần Thơ các giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; giải pháp toàn diện về logistics nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó là chú trọng đến giải pháp tích hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối tiêu thụ, hình thành Trung tâm Giao dịch nông sản trực tiếp (chợ bán sỉ hiện đại), kết nối với mạng lưới cung ứng nông sản toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cũng mong muốn, với tinh thần xây dựng, cởi mở, chúng ta tin rằng hệ thống các giải pháp được gợi mở tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 sẽ mang tính động lực, tính khả thi cao khi triển khai đồng bộ vào thực tiễn.

Các địa phương sẽ phát huy sáng kiến trong việc phát triển kinh tế xanh, phù hợp chủ trương, định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành ĐBSCL, hiện thực hóa một cách sinh động tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và Quyết định 974 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Mekong Connect diễn ra thực sự mang lại những kết quả mong đợi, những cuộc kết nối thực chất tại Mekong Connect có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối nguồn lực, phát huy những cầu nối đầu tư, khuyến khích hợp tác công - tư tạo tác động kinh tế - xã hội - văn hóa trong quá trình hội nhập…

L.OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/ket-noi-nguon-luc-thuc-day-tieu-thu-nong-san-996399/