Kết nối giao thương doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 16/9, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp - Kết nối giao thương doanh nghiệp 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Tại diễn đàn, hiến kế phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các tỉnh trong vùng cần định hướng phát triển thuận thiên, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững phù hợp xu thế phát triển kinh tế của vùng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, có 4 trụ cột chuyển đổi nông nghiệp của vùng để kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng đúng tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Trong số đó, vùng cần thay đổi tầm nhìn xác định đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại; thay đổi thể chế sở hữu đất; thay đổi khoa học – công nghệ cải thiện chất lượng và giá trị nông sản; thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn bó hữu cơ với hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, tạo cơ hội rất rộng lớn cho doanh nghiệp, doanh nông Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Trong định hướng phát triển doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vùng cần chuyển mạnh theo kinh tế xanh, nền kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng xã hội, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái.

Song song đó, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp các giá trị mới cho khách hàng; chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp các tỉnh cần liên kết, cùng nhau hình thành các chuỗi cung ứng ngành, vùng.

Các chuyên gia cũng lưu ý các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn xác định thị trường trong nước là điểm tựa quan trọng thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của từng địa phương qua thị trường Mỹ, Trung Quốc, đặc biệt EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia...

Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao thương quan trọng của trục Đông - Tây giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á, có cửa khẩu quốc tế giáp với Campuchia với nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển thành một trung tâm thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư.

Hiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, An Giang được Trung ương đầu tư thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua địa phận An Giang.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ giải pháp phát triển doanh nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Tỉnh xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, từng lĩnh vực, từng dự án ưu tiên của địa phương, kết hợp với việc nắm bắt nhu cầu, khả năng đầu tư của từng nhà đầu tư cụ thể để tiến hành mời gọi đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm và hiệu quả.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế là một xu thế phát triển tất yếu, các chuyên gia cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp các tỉnh trong vùng phải cùng nhau gắn kết, chia sẻ, tìm ra giải pháp và hướng đi mới, tạo sự đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cộng đồng doanh nghiệp.

Thông qua diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng đây là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp trong vùng xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng trong thời gian tới.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm quốc gia chiếm hơn 12% diện tích, 19% dân số cả nước, tạo ra khoảng 15% GDP của cả nước. Vùng đang đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Theo thống kê đến cuối năm 2022 vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 64.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gần 4% so với cùng kỳ, song chỉ chiếm 7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hiện số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm của vùng đang ở mức thấp so với các vùng khác trong cả nước. Năm 2022 tỷ lệ “chết” của doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ở mức cao nhất cả nước là 84%.

Giai đoạn 2018-2022 tổng vốn đăng ký mới ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 27%. Riêng năm 2022 tăng ấn tượng 11%, dẫn đầu cả nước, trong đó có một số dự án FDI lớn được triển khai như: Khu công nghiệp VSIP tại Cần Thơ (160 triệu USD), nhà máy Coca-Cola tại Long An (136 triệu USD), dự án SLP Park Nam Thuận tại Long An (98 triệu USD), nhà máy Acecook tại Vĩnh Long (83 triệu USD)... Qua đó, giúp tăng trưởng việc làm trong vùng năm 2022 đạt 29%. Tuy nhiên, xét cả giai đoạn 2018-2022 tăng trưởng việc làm vẫn giảm 13%.

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chỉ ra, hiện Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu hạ tầng, không thu hút được các dự án đầu tư tốt, thu ngân sách thấp; thiếu cơ hội việc làm, lao động trẻ di cư khiến lực lượng lao động suy giảm nên vùng chưa thu hút được nhiều các dự án FDI lớn.

Trong cấu trúc kinh tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện sứ mệnh an ninh lương thực, giữ đất, đầu tư cho lúa nên cấu trúc kinh tế thiên về nông nghiệp khiến kinh tế chậm phát triển./.

Thanh Sang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-giao-thuong-doanh-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long/306628.html