Kết nối doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, dạy nghề

Thời gian qua, quận Hà Đông đã làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề; đặc biệt, kết nối doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình giảng dạy và đào tạo hỗ trợ, đồng hành cùng nhà trường trong thực hành. Điều đó đã giúp cho học sinh, sinh viên sớm có việc làm.

Nhu cầu tuyển dụng đa dạng

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang tăng cao khi các đơn vị ký kết thêm các hợp đồng sản xuất. Nhu cầu tuyển dụng đa dạng ở nhiều ngành nghề như may mặc, công nghệ thông tin, điện, điện tử, du lịch… Tuy nhiên, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp không chỉ còn gói gọn trong việc biết kỹ thuật chuyên ngành, mà còn biết ngoại ngữ cả trong doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp khi triển khai chương trình tuyển dụng tại Hà Đông có rất nhiều lao động đến tham quan, tìm hiểu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện tuyển dụng của Công ty Hoa Thành Đạt, Khu Công nghiệp Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân lực tại quận Hà Đông cho biết:

“Công ty chúng tôi chuyên sản xuất hàng may mặc, có nhu cầu tuyển lao động không cần biết kỹ thuật may mặc mà cần biết ngoại ngữ như: tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Lao động chưa có tay nghề thì Công ty sẽ đào tạo theo nhu cầu sử dụng, miễn sao ngoại ngữ giao tiếp ở mức độ khá trở lên. Công ty đang liên kết chương trình đạo đạo với các trường đại học, cao đẳng tại địa bàn Hà Nội cũng như các địa phương khác và kỳ vọng sau này mở rộng hợp tác đào tạo hơn”.

Ông Đỗ Huy Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Sỹ, chia sẻ: “Năm 2024, công ty hướng tới cung cấp đèn led cho một số doanh nghiệp ở thị trường Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu. Do nhu cầu số lượng đặt hàng tăng cao, công ty cần tuyển thêm từ 40-50 người, ưu tiên đối tượng là người khuyết tật, với mức lương từ 7 – 30 triệu đồng. Ông kỳ vọng sẽ tuyển đủ lao động làm việc trong doanh nghiệp năm 2024. Ngoài yếu tố về kỹ thuật thì biết ngoại ngữ là một ưu tiên trong tuyển dụng”.

Các sinh viên trao đổi với nhà tuyển dụng về nhu cầu việc làm.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty TNHH một thành viên Đường Sắt Hà Nội, cho biết: “Là đơn vị chuyên vận hành tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Công ty chúng tôi đang tuyển dụng các vị trí việc làm cho tuyến đường sắt số 3 Nhổn – Ga Hà Nội, dự kiến vận hành vào tháng 7 tới.

Công ty đang lên kế hoạch tuyển khoảng 443 lao động, cho 89 vị trí việc làm khác nhau, từ quản lý cấp cao cho đến làm công việc phổ thông. Do đó, công ty cần nhiều nhân lực về kỹ thuật, công nghệ giao thông và vị trí nhân sự tốt nghiệp THPT có thể đảm bảo công việc cơ bản trên tuyến. Công ty đang triển khai với nhiều phương án tuyển dụng khác nhau, trong đó có thông qua phòng Lao động Thương binh và Xã hội, phường và tổ dân phố tại địa phương như: Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…”.

Kết nối nhà trường và doanh nghiệp, bắt kịp xu thế thị trường việc làm

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số trường đại học, dạy nghề trên địa bàn Hà Đông, các trường đã bắt kịp với xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp, khi ký kết với các đơn vị để xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo.

“Hầu hết các ngành nghề đào tạo của Trường Đại học Đại Nam đều có các doanh nghiệp đứng đằng sau. Năm thứ 3 thì sinh viên đều có thể thực tập và kiếm được lương từ các ngành học. Cụ thể, như bán dẫn, ô tô, logistics, hàn, du lịch. Các ngành bán dẫn, máy tính, công nghệ ô tô, đang được nước ngoài trao học bổng 100% để sinh viên học tập và cam kết có việc làm khi sinh viên ra trường…

Sinh viên Đại học Đại Nam chia sẻ nhu cầu việc làm với doanh nghiệp.

Hiện nay, Đại Nam đã có doanh nghiệp là tập đoàn LG, Samsung, hoặc khách sạn từ 3 đến 5 sao hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ chuyên gia trong quá trình giảng dạy, thực hành, nhờ đó chúng tôi dễ dàng thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng được chuẩn đầu ra và vị trí việc làm. Chúng tôi rất đề cao việc doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình giảng dạy trong nhà trường. Sinh viên ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”. Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Hương, Phó hiệu Trưởng trường Đại học Đại Nam.

Không chỉ có ngành kỹ thuật, ngành dịch vụ, phục vụ, việc đào tạo không chỉ tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ, mà còn quan tâm đến giáo dục phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Mạnh, Giám đốc nhân sự của Hệ thống Y tế Hợp Lực, cho biết: “Ngoài việc giảng dạy về chuyên môn, hàng tháng chúng tôi đều tổ chức lớp và đích thân Chủ tịch HĐQT của đơn vị, là giáo sư trực tiếp đứng lớp giảng về các kỹ năng mềm cho các em khi tiếp xúc, đối xử với các bệnh nhân. Các kỹ năng mềm mà Hợp Lực truyền tải cho học sinh, sinh viên đó là đến niềm nở, về dặn dò chu đáo. Khi bệnh nhân cần trao đổi thì lắng nghe và đặt vị trí của mình vào bệnh nhân để làm tốt công việc… Khi đến với các bệnh viện làm việc, các em tiếp tục được bồi dưỡng từ 1-2 tuần về các nội dung mà nhà trường và bệnh viện yêu cầu. Nếu các em trả lời được các câu hỏi và thành thục xử lý các tình huống thì mới được thử việc”.

Đại diện Hệ thống Y tế Hợp Lực giới thiệu với học sinh về ngành nghề đào tạo trong năm học tới.

Bạn Nguyễn Thị Thúy Hường, là sinh viên năm thứ 4, khoa Ngôn ngữ Trường Đại học Đại Nam, chia sẻ: “Việc kết nối việc làm giữa nhà trường với các doanh nghiệp sẽ giúp chúng em dễ tìm hiểu về việc làm cho mình. Em đã tìm được 1 – 2 doanh nghiệp và có ngành nghề phù hợp với khả năng của mình. Có 1 doanh nghiệp em rất thích và đang nghiên cứu, tìm hiểu và có thể nộp đơn đi làm sau khi tốt nghiệp”.

“Quận ủy, UBND quận Hà Đông đã ban hành Đề án 03 và kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề giai đoạn 2020 – 2025. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận đã chỉ đạo các nhà trường hướng nghiệp sớm đối với các học sinh ngay từ lớp 6, đến lớp 9. Quá trình đào tạo, nhà trường đã ưu tiên bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp để đảm nhiệm lớp học, nhằm hướng nghiệp cho các em sát với thực tế.

Ông Ngô Đức Kiên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: "Trên cơ sở định hướng, học sinh đã tự đánh giá, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực học tập, sở thích của mình. Các em học lớp 9, Phòng GD&ĐT cùng với nhà trường đến từng trường học để tư vấn cho các em lựa chọn ngành nghề, trường đào tạo cho đúng, trúng ngành học".

Qua định hướng của nhà trường, thầy cô hầu hết các học sinh đều lựa chọn đúng ngành nghề, khi ra trường đảm bảo được việc làm. Với cách định hướng sớm và hỗ trợ kết nối đào tạo, trong những năm qua, quận Hà Đông đã có gần 80% học sinh THCS thi tuyển vào THPT, còn trên 20% các em chuyển sang học nghề và hoàn thành chương trình THPT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng nghề.

Bích Hời

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ket-noi-doanh-nghiep-tham-gia-sau-vao-qua-trinh-dao-tao-day-nghe.html