Kết nối di sản để lan tỏa văn hóa

Nước ta có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, gần 500 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh.

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà do 2 tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng cùng quản lý. Ảnh: CTTĐT Hải Phòng.

Nếu không kết nối các di sản, sẽ khó phát huy giá trị văn hóa vốn có.

Bắt tay kết nối di sản liên vùng

Du lịch kết nối là xu hướng của thế giới, bởi vậy việc kết nối di sản, hình thành các tour - tuyến liên vùng để khai thác du lịch, phát huy giá trị các di sản là cần thiết. Tuy nhiên, việc kết nối di sản liên vùng để tạo tour - tuyến liên địa phương không phải dễ dàng.

Cùng với nhiệm vụ số hóa di sản để bảo tồn, việc kết nối di sản liên vùng, thậm chí liên quốc gia được giới chuyên gia nhấn mạnh trong các hội thảo liên quan đến khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Đã hết thời hoạt động riêng lẻ, kiểu tỉnh nào mạnh tỉnh ấy thắng, hay di sản nào được quảng bá nhiều sẽ “hút khách”. Bởi vậy, tầm quan trọng trong kết nối di sản trên cả nước luôn được giới quản lý quan tâm.

Khi UNESCO công nhận điều chỉnh mở rộng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà, các cơ quan chức năng ở hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng đã nhanh chóng tìm phương án cùng kết hợp bảo tồn và khai thác di sản hiệu quả, hài hòa lợi ích.

Nếu như trước đây, Hải Phòng có phương thức quản lý riêng, Quảng Ninh lại quy định khác đã tạo ra những ranh giới mang tính pháp lý, gây khó khăn cho hoạt động của tàu du lịch và tàu khách đi giữa 2 điểm Vịnh Hạ Long và Cát Bà. Không chỉ vậy, hoạt động bảo tồn lại càng có nhiều trắc trở vì mỗi địa phương có một quy định khác nhau.

Tuy nhiên, khi di sản được điều chỉnh mở rộng, hai tỉnh phải ngồi với nhau cùng tìm ra một hướng đi lâu dài. Từ đó, di sản liên vùng theo một cách quản lý chung đã tạo cảm hứng đối với khách du lịch, khi chỉ là “một chuyến đi, nhưng có nhiều điểm đến”.

Năm 2022, “Festival Ninh Bình - Tràng An kết nối di sản” một lần nữa chứng minh tác dụng của mô hình di sản kết nối, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc, thể hiện sức lưu truyền, lan tỏa tinh hoa văn hóa và tiếp thu văn hóa của thế giới, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng.

Hoạt động kết nối từ Ninh Bình thu hút 15 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đoàn nghệ thuật tỉnh Oudomxay (Lào) và hơn 65 hoa hậu là đại diện của hơn 65 quốc gia.

Không chỉ tạo động lực lan tỏa sức sống văn hóa Việt, kết nối di sản “Festival Ninh Bình - Tràng An” còn đặc biệt chú trọng các giải pháp huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kết nối di sản không chỉ liên kết các danh thắng, di tích, mà còn liên kết các di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh minh họa.

Không kết nối, khó thành việc lớn

Không chỉ ngành văn hóa và du lịch cùng kết hợp thực hiện các dự án kết nối di sản, Hội đồng Anh tại Việt Nam cũng tiến hành chương trình nghiên cứu “Di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều”, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích chung cho xã hội.

Theo Hội đồng Anh, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ. Phiên bản Việt Nam chính là dự án “Di sản kết nối” trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một.

Các chuyên gia của Hội đồng Anh cho rằng, một số giá trị độc đáo của di sản ít được quan tâm và hỗ trợ nên đối mặt với nguy cơ biến mất. Tình trạng này dẫn đến việc các cộng đồng gắn liền với các di sản gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển nguồn lực con người và đóng góp cho xã hội.

Dự án “Di sản kết nối” sử dụng các hướng tiếp cận sáng tạo, giúp cộng đồng đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Thông qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng khắp trong các ngành di sản.

Dự án tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các cộng đồng địa phương, và hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung – đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả - nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với các giá trị truyền thống.

Nước ta hiện có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, gần 500 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh. Việc kết nối các di sản hoặc một nhóm di sản với nhau để phục vụ du lịch, thông qua đó giúp lan tỏa sức sống văn hóa là yêu cầu cần thiết, song lại không dễ dàng.

Trong sự kiện ra mắt Ban Di sản - Kết nối trực thuộc Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam vào ngày 7/3, bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM nhận định, di sản văn hóa phi vật thể hiện hữu khắp nơi trong đời sống của người Việt. Nhiều người nghĩ di sản là đồ cổ, là áo dài, là tranh... là chưa đủ. Làm di sản mà không tạo được sự kết nối sẽ không làm được gì.

Ý tưởng du lịch qua những miền di sản đã hình thành tại Việt Nam hàng chục năm trước, nhằm xây dựng một bản đồ du lịch kết nối di sản tiêu biểu của đất nước.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn những vướng mắc về chính sách. Đặc biệt, cốt lõi nhất là hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao chưa nhiều và chưa đa dạng nên mô hình di sản kết nối nhằm lan tỏa sức sống văn hóa chưa thực sự hiệu quả.

Trong khuôn khổ do Hội đồng Anh khởi xướng, ngày 13/3 Câu lạc bộ Di sản kết nối sẽ có buổi chia sẻ với chủ đề “Khai thác di sản văn hóa và phát triển bền vững” với các khách mời là những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo Câu lạc bộ Di sản kết nối, di sản văn hóa được cộng đồng khắp cả nước sử dụng để nâng cao thu nhập, vì vậy di sản văn hóa đang đóng góp một cách hiệu quả vào phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác cần phải có nguyên tắc, nhất là phải có mô hình hoặc sáng kiến hài hòa giữa bảo tồn, khai thác giá trị và phát triển bền vững.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi-di-san-de-lan-toa-van-hoa-post674958.html