Kết nối cung ứng và tiêu thụ nông sản

Trong sản xuất nông nghiệp, một trong những khó khăn là đầu ra sản phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Để giải quyết vướng mắc này, ngành Nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bền vững. Qua đó, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản an toàn của người tiêu dùng.

Đại biểu tham quan và tìm hiểu sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, tháng 8-2023.

Đại biểu tham quan và tìm hiểu sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, tháng 8-2023.

Trong 10 tháng năm 2023, Sở NN&PTNT triển khai các kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; cập nhật, thông tin đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh về bản tin thị trường các nông lâm thủy sản trong và ngoài nước; ban hành kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa ra các phương án phấn đấu cơ bản tiêu thụ hết sản lượng sản phẩm theo mùa vụ.

Đến nay, cơ bản các sản phẩm sản xuất, tiêu thụ ổn định không xuất hiện hiện tượng dư thừa sản phẩm cục bộ số lượng lớn theo mùa vụ. Toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 220.000 tấn cây lương thực có hạt, hơn 103.000 tấn thịt hơi các loại, 165.000 tấn thủy sản. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 48.000 tấn, chủ yếu là các mặt hàng: Hàu ruột ướp đá, mực ống làm sạch cắt miếng đông lạnh; sâu đất, hải sâm...

Sở NN&PTNT đã hỗ trợ cho 12 lượt cơ sở, trên 50 sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 11 sự kiện, như: Hội chợ Tự hào nông sản Việt Nam, hội chợ thương mại xúc tiến du lịch, hội chợ thực phẩm đồ uống Foods, hội chợ tuần hàng quảng bá nông sản, chương trình Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP, gặp gỡ Thái Lan 2023...

Đặc biệt, tại thị trường TP Hà Nội, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã kết nối duy trì được trên 40 cơ sở phân phối với 100 điểm bán hàng. Đồng thời, kết nối cho trên 50 cơ sở với hơn 80 mã sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, thực phẩm sạch, bếp ăn công nghiệp, như Vinmart/Winmart+, Go!, Mega Market... Nhiều sản phẩm đã phân phối phủ rộng khắp cả nước, như: Nhóm sản phẩm hải sản ăn liền, ruốc hải sản...

Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất và Kinh doanh Huy Hoàng, cho biết: Đơn vị thường xuyên tham gia các chương trình hội nghị xúc tiến, kết nối nông sản do tỉnh tổ chức. Đây là cơ hội để đơn vị tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm đối tác cũng như, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh ngoài. Số lượng sản phẩm của đơn vị luôn được tiêu thụ ổn định, không chỉ trong tỉnh và được nhiều khách hàng tỉnh ngoài yêu thích.

Các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP Quảng Ninh ký kết bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ, tháng 11-2023. Ảnh: Sở NN&PTNT cung cấp.

Các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP Quảng Ninh ký kết bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ, tháng 11-2023. Ảnh: Sở NN&PTNT cung cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã được tham gia trực tiếp các chương trình chiêu thương, khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, trao đổi, làm việc, ký kết tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản với các cơ sở kinh doanh của các tỉnh bạn: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Đồng thời, kết nối và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, phối hợp trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm với nhiều đơn vị trong khu vực phía Bắc.

Qua đó, giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn truyền tải thông tin về thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm và kích thích nhu cầu mua hàng. Đồng thời, xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu và duy trì mối quan hệ với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị thiết lập các kênh phân phối sản phẩm, triển khai các hoạt động bán sản phẩm; tìm hiểu, xác định các thông tin thị trường, qua đó xây dựng các chính sách về sản phẩm, giá cả, phân phối, bán hàng... Hiện các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh đưa ra các tỉnh ngoài tiêu thụ đều đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP (chiếm 70%) và được các thị trường đón nhận, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Tuy nhiên, việc kết nối sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn gặp khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, thị trường thế giới có nhiều biến động đã làm cho nguồn cung một số vật tư, nguyên liệu gặp khó khăn, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng. Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất, chế biến chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại phục vụ chế biến sâu, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh sản phẩm còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm thô. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu nội địa, xuất khẩu còn hạn chế. Việc tiếp cận, áp dụng số hóa, thương mại điện tử trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong chuỗi kết nối sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản dịp cuối năm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu mở rộng thị trường các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP tỉnh. Đồng thời, cập nhật xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, doanh nghiệp HTX trong việc hỗ trợ sản xuất, hội chợ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hoàng Quỳnh (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/151580/ket-noi-cung-ung-va-tieu-thu-nong-san