'Kết nghĩa bản - bản' - Từ bản Ka Tăng thành dặm dài biên cương Tổ quốc

Ngày 28/4/2005, sự kiện 'Kết nghĩa bản - bản' được tổ chức lần đầu tiên trên toàn quốc giữa bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và bản Densavanh, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào). Mô hình là bước đột phá, là quá trình vận dụng những kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP).

Gặp người “khai sinh ” ra mô hình “ Kết nghĩa bản - bản ”

Tiết trời nắng nóng của trưa hè không thể làm gián đoạn câu chuyện giữa chúng tôi với Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP trong căn nhà của ông tại TP. Đông Hà, Quảng Trị. Gặp ông lần này tôi mang theo tình cảm của một người lính với vị chỉ huy sau gần 30 năm gặp lại.

Tôi nhớ, năm 1995, tại thao trường huấn luyện, ông Dũng, lúc đó là Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh đến thăm và nói chuyện: “Chúng ta không thể nắm tay nhau đứng thành hàng ngang để bảo vệ biên giới mà phải có thế trận lòng dân, biên giới của lòng dân, gắn kết người dân hai nước có chung biên giới, xem biên giới là ngôi nhà chung để cùng vun đắp, bảo vệ.”

Phóng viên Báo Quảng Trị trao đổi với ông Trần Đình Dũng, người “khai sinh” ra mô hình kết nghĩa bản -bản -Ảnh: M.T

Từ suy nghĩ và nhận định đó, năm 1996, ông Trần Đình Dũng cùng các cơ quan chuyên trách nghiên cứu, lập đề án khoa học để tham mưu với tỉnh Quảng Trị và chính quyền các tỉnh phía bạn Lào tổ chức “Kết nghĩa bản - bản” cho các cụm bản giáp biên giới. 9 năm sau, ngày 28/4/2005, đề án khoa học đi vào cuộc sống với sự kiện bản Ka Tăng kết nghĩa với bản Densavanh.

Hai bên thống nhất quy chế hoạt động kết nghĩa với 12 nội dung đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam - Lào, pháp luật mỗi nước và phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc biên giới. Từ đây, công tác đối ngoại giữa hai quốc gia ở vùng biên giới trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của các dòng họ hai bên biên giới.

Sau gần 20 năm, mô hình “Kết nghĩa bản - bản” đã được nhân rộng trên cả nước theo tên gọi mới là “Phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” với nhiều hình thức phong phú, thành nghệ thuật quân sự, đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Sau này ở cương vị Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP, ông Dũng đã có nhiều đóng góp cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ông đã tham mưu Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo triển khai hoạt động tuần tra song phương trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và nhân rộng đến các tuyến biên giới khác. Hoạt động này được đánh giá là hết sức hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng.

Ông Dũng kể, thành công mô hình này tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh BĐBP quyết định nhân rộng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Từ thực tế ở biên giới tỉnh Long An (Việt Nam) và tỉnh Svâyriêng (Campuchia) tổ chức một cuộc thi nhan sắc có một không hai “Phụ nữ biên giới duyên dáng” giữa những phụ nữ đảm việc, đẹp người của hai xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và xã Som Rông, tỉnh Svâyriêng (Campuchia).

Điều này chứng minh rằng, người dân hai xã vùng biên này đã gắn bó đoàn kết với nhau bao năm nay. Từ cuộc thi này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lựa chọn Mỹ Quý Tây và Som Rông là cặp kết nghĩa thí điểm trước khi nhân rộng tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia. Hiện nay, các mô hình kết nghĩa giữa các bản, xã Việt Nam - Campuchia đều hoạt động rất hiệu quả.

Ngoài ra, trên vùng cao biên giới thuộc xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có một vùng đất mang tên là Cốc Phương nằm giáp biên giới với chiều dài gần 10 cây số. Năm 2014, thể theo nguyện vọng của Nhân dân hai thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), lễ kết nghĩa được đại diện chính quyền cơ sở và lực lượng vũ trang hai nước tổ chức chu đáo, đoàn kết. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đây là địa phương đầu tiên ký biên bản kết nghĩa, thể hiện nguyện vọng của Nhân dân là được thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết dân tộc, thân tộc giữa Nhân dân hai bên biên giới, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Đồng thời cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, cùng xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình và ổn định. Người Trung Quốc thường nói: là anh em thì biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự là vậy”.

Xa nhau ...là nhớ ”

Đó là lời tự sự của Ăm Đăm, Trưởng bản Ba Riềng, Lào khi chúng tôi lên biên giới Việt - Lào tham gia chống COVID-19. Ông nói, tình cảm của người Lào và người Việt Nam không đo đếm được, tình anh em ruột thịt là không biên giới. Khi đói có củ khoai, củ sắn cũng trao nhau, xa nhau mấy ngày thì thương nhớ. Trong thời gian cách ly chống dịch, người dân hai bên không gặp được nhau thì điện thoại hỏi thăm nhau, bảo vệ tài sản của nhau.

BĐBP Quảng Trị vậnchuyển lương thực, thực phẩm hỗtrợ cho lực lượng vũ trang và nhân dân các bản kết nghĩa -Ảnh: M.T

Thiếu tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh cho biết, cán bộ, chiến sĩ trực chiến ở các chốt đã rất khó khăn, nhưng nhiều bữa cơm, thấy chốt phía bạn Lào tiếp phẩm chưa đến kịp, nên phải san sẻ khẩu phần để đưa sang cho bạn. Từ khi hoạt động qua biên giới Việt Nam - Lào bị tạm dừng do COVID-19 khiến người dân bạn ở các bản biên giới giáp với tỉnh Quảng Trị lâm vào tình trạng thiếu lương thực.

Các đơn vị bảo vệ biên giới của Lào cũng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trước thực trạng trên, BĐBP Quảng Trị đã vận động cán bộ, chiến sĩ trích góp lương, phụ cấp và vận động các nhà hảo tâm quyên góp hỗ trợ giúp bạn ổn định cuộc sống. Những nghĩa cử này nhanh chóng được lan tỏa suốt chiều dài biên giới tỉnh Quảng Trị.

Trong một chuyến tuần tra, Thượng úy Bua Khăm, Đại đội phó Đại đội 321, tỉnh Savannakhet cho biết: “Bộ đội Biên phòng Hướng Lập thường xuyên giúp đỡ chúng tôi giải quyết nhiều thiếu thốn, khó khăn. Người Lào quan niệm khi lâm nguy mới đo được lòng người. Chúng tôi vô cùng biết ơn và khắc ghi tình cảm anh em ruột thịt của bộ đội và Nhân dân Việt Nam”.

Đại tá Nguyễn Nam Trung, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết, từ cặp kết nghĩa bản - bản giữa Ka Tăng - Den savanh năm 2005, đến nay trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Quảng Trị đã có 24 cặp bản - bản được kết nghĩa, mang lại nhiều thành công trong công tác bảo vệ biên giới. Điển hình hiệu quả từ mô hình này là bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản A Via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet vừa kỷ niệm 15 năm kết nghĩa (2007-2022).

Sau khi kết nghĩa, cán bộ và Nhân dân bản Ka Tiêng và bản A Via thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các sự kiện trọng đại của hai nước, hai địa phương; tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao..., cùng nhau tổ chức đi tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và danh lam thắng cảnh của hai nước.

Thông qua hoạt động kết nghĩa đã phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cư dân hai bản được 50 đợt/2.020 lượt đồng bào về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, việc chấp hành các quy định của hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam -Lào; tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; đồng thời, phổ biến các kiến thức về nông nghiệp...

Qua thực hiện các nội dung kết nghĩa, việc chống xuất nhập cảnh, xuất nhập biên, truyền đạo trái phép, xâm canh, xâm cư; buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới; khai thác lâm, thổ sản trái phép...được nhân dân hai bản cam kết và chấp hành, thực hiện tốt.

Từ những hoạt động kết nghĩa này, người dân ở khu vực biên giới nói chung, đặc biệt là người dân ở các cặp bản đối diện nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã tự giác thực hiện tốt hiệp định, quy chế biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào cũng như quy chế kết nghĩa của hai bản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thông qua mô hình kết nghĩa bản - bản, Nhân dân biên giới có điều kiện để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là vấn đề có tính chiến lược trong bảo vệ biên giới quốc gia.

Về phía tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào. Tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đường biên mốc giới của mỗi nước.

Xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình và rút ra những kinh nghiệm trong công tác kết nghĩa bản - bản, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Minh Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/ket-nghia-ban-ban-tu-ban-ka-tang-thanh-dam-dai-bien-cuong-to-quoc/178183.htm