Kẻ tình nghi có kế hoạch tấn công Salman Rushdie

Luật sư Jason Schmidt nói: 'Đây là một cuộc tấn công có chủ đích, được lên kế hoạch trước nhằm vào ông Rushdie'

Vì những vết thương nghiêm trọng, Rushdie vẫn phải nằm viện theo dõi. Nhưng mới đây, tác giả Aatish Taseer đã đăng tweet thông báo rằng Rushdie đã “tháo máy thở và nói chuyện trở lại”.

Quản lý của Rushdie, ông Andrew Wylie xác nhận thông tin này nhưng không cung cấp gì thêm.

Điều tra kẻ tình nghi

Trước đó, Hadi Matar, kẻ tình nghi ở Viện Chautauqua hôm 12/8 đã không nhận tội trước các cáo buộc cố sát và hành hung. Công tố viên gọi đây là tội ác “có kế hoạch”.

Hiện cảnh sát đang làm việc với Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và chính quyền địa phương để xác định động cơ gây án.

Một luật sư đã đảm nhận vai trò bào chữa cho Hadi Matar. Nghi phạm xuất hiện tại tòa trong bộ áo liền quần trắng đen, đeo khẩu trang trắng, hai tay bị còng trước mặt.

 Bị cáo Hadi Matar xuất hiện tại tòa. Ảnh: Gene J. Puskar.

Bị cáo Hadi Matar xuất hiện tại tòa. Ảnh: Gene J. Puskar.

Thẩm phán đã ra lệnh giam giữ Matar sau khi Luật sư quận - ông Jason Schmidt - nói với bà rằng bị cáo đã cố tình xuất hiện để làm hại Rushdie: tìm cách để vào được sự kiện Rushdie xuất hiện, đến sớm trước một ngày và sử dụng căn cước giả.

Schmidt nói: “Đây là một cuộc tấn công có chủ đích, vô cớ, được lên kế hoạch trước nhằm vào ông Rushdie”.

Nhà văn Salman Rushdie cho xuất bản tác phẩm Những vần thơ của quỷ Satan năm 1988. Tác phẩm bị cho là báng bổ nhà tiên tri Muhammad, điều đó khiến Rushdie nhận phải những lời dọa giết hại suốt nhiều năm.

Cuốn sách của Rushdie đã bị cấm và đốt ở Ấn Độ, Pakistan và các nơi khác. Năm 1989, giáo chủ của Iran - Ayatollah Ruhollah Khomeini - tuyên án tử hình vắng mặt Rushdie.

Các nhà điều tra đang làm việc để xác định xem liệu kẻ tình nghi (sinh ra một thập kỷ sau khi Những vần thơ của quỷ Satan được xuất bản) có hành động một mình hay không.

Luật sư quận gợi ý rằng án tử hình vắng mặt với mức treo thưởng 3 triệu USD của Iran như một động cơ gây án của bị cáo. Ông Schmidt nói: “Ngay cả khi tòa án này ấn định một triệu đôla tiền bảo lãnh, chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ bị cáo có thể được bảo lãnh”.

Baron, luật sư công bào chữa cho bị cáo, cho biết Matar đã giao tiếp cởi mở với ông. Baron sẽ dành thời gian để hiểu bị cáo, xem liệu anh ta có vấn đề tâm lý hay nghiện ngập không.

Matar đến từ Fairview, New Jersey. Rosaria Calabrese, quản lý của State of Fitness Boxing Club, một phòng tập thể hình nhỏ ở Bắc Bergen, cho biết Matar đã đăng ký tới phòng tập vào ngày 11/4 và tham gia khoảng 27 buổi tập cho những người mới bắt đầu muốn cải thiện thể lực. Cho tới vài ngày trước, bị cáo gửi email cho cô, cho biết gã muốn hủy đăng ký thành viên vì “sẽ không quay lại trong một thời gian”.

Chủ phòng tập, ông Desmond Boyle, cho biết ông không thấy Matar có vẻ bạo lực. Ông mô tả bị cáo là một người lịch sự và ít nói, nhưng luôn trông xa cách và “buồn bã kinh khủng”.

“Hôm nào anh ta cũng xuất hiện như thể đó là ngày tệ nhất anh ta từng trải qua”, Boyle nói.

Matar sinh ra ở Mỹ với cha mẹ di cư từ Yaroun ở miền nam Lebanon. Các nhà báo của AP đến thăm Yaroun hôm thứ 13/8 đã được yêu cầu rời đi.

 Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: Luke MacGregor.

Nhà văn Salman Rushdie. Ảnh: Luke MacGregor.

Các nhà văn lên tiếng

Những lời dọa giết và số tiền treo thưởng cho mạng sống của Rushdie đã khiến nhà văn phải theo chương trình bảo vệ của chính phủ Anh, trang bị một đội bảo vệ có vũ trang suốt ngày đêm. Sau 9 năm ẩn dật, Rushdie thận trọng xuất hiện trở lại trước công chúng.

Năm 2012, ông xuất bản một cuốn hồi ký về trải nghiệm này. Sau đó, ông xuất hiện ở New York và phát biểu rằng khủng bố thực sự là nghệ thuật của nỗi sợ hãi: “Cách duy nhất bạn có thể đánh bại nó là quyết định không sợ hãi nữa”.

Nhà văn Salman Rushdie nay đã 75 tuổi. Theo quản lý của nhà văn, sau khi bị đâm liên tiếp, ông bị tổn thương gan và đứt dây thần kinh ở một cánh tay và một mắt. Ông đứng trước nguy cơ mất đi con mắt bị thương.

Vụ tấn công gây chấn động, các nhà văn, nhà hoạt động xã hội và các quan chức chính phủ đã lên tiếng.

Nhà văn Ian McEwan là một người bạn lâu năm của Rushdie, gọi ông là “người truyền cảm hứng và bảo vệ cho nhà văn, nhà báo trên khắp thế giới”.

Nhà văn Neil Gaiman viết: “Tôi rất sốc và đau buồn khi thấy bạn mình, ông Salman Rushdie, bị tấn công… Ông ấy là một người tốt và tôi mong ông sớm bình phục”.

Kazuo Ishiguro, nhà văn đoạt giải Nobel, cũng lên tiếng: “Ông ấy đã rất dũng cảm suốt những năm qua… bất chấp những hiểm nguy thường trực. Chúng tôi đều mong ông sẽ vượt qua”.

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden "bị sốc và đau buồn" vì vụ tấn công.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-tinh-nghi-co-ke-hoach-tan-cong-salman-rushdie-post1345422.html