Kế hoạch Mattei: Định hình lại tương lai Italy tại châu Phi

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni công bố kế hoạch với châu Phi trong Hội nghị thượng đỉnh Italy - châu Phi tại Rome ngày 29/1 với 'mục tiêu kép' - giải quyết vấn đề di cư và đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (giữa) phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh Italy - châu Phi, ngày 29/1. (Nguồn: AP)

Hội nghị quốc tế về châu Phi tại Rome là sự kiện quốc tế do Italy tổ chức, với sự tham gia của hơn 20 nhà lãnh đạo châu Phi, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ), cùng đại diện của các tổ chức tài chính quốc tế.

Mục tiêu của hội nghị là công bố kế hoạch của Italy nhằm phát triển toàn diện châu Phi, tới các nhà lãnh đạo quốc tế. Thông qua hội nghị, Thủ tướng Meloni bày tỏ mong muốn nâng cao quan hệ Italy - châu Phi, kiểm soát vấn đề di cư bất hợp pháp và đưa Italy trở thành trung tâm phân phối năng lượng từ châu Phi đến châu Âu.

Bà Meloni chia sẻ, “số phận” của châu Âu và châu Phi gắn kết chặt chẽ với nhau và tin rằng, việc hợp tác có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai lục địa.

2024 cũng là năm Italy đảm nhận chức vụ Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Theo đó, nước này đặt mục tiêu phát triển châu Phi làm chủ đề trung tâm để nâng cao vai trò và ảnh hưởng của mình trong bối cảnh sự hiện diện của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản gia tăng tại khu vực.

Ông Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Ủy ban Liên đoàn châu Phi (AUC), cho biết, châu Phi "sẵn sàng thảo luận về nội dung và cách thức triển khai" kế hoạch, song ông cũng nhấn mạnh, các nước muốn được tham vấn trước khi Italy công bố kế hoạch trên.

"Chúng ta cần phải biến lời nói thành hành động", ông Faki phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh. "Chúng ta không được hài lòng với những lời hứa mà không có sự thay đổi thực tế."

Kế hoạch Mattei

Trong hội nghị, nhà lãnh đạo đảng cực hữu Meloni tuyên bố sẽ định hình lại quan hệ với các quốc gia châu Phi qua Kế hoạch Mattei với cách tiếp cận “không độc chiếm”, thay vào đó là “từng bước cùng nhau phát triển”. Tên kế hoạch này lấy cảm hứng từ Enrico Mattei, nhà sáng lập Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Eni tại Italy.

Theo tờ Express, kể từ thời điểm nhậm chức cuối năm 2022, bà Meloni đã đưa Kế hoạch Mattei làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Ngoài ra, Kế hoạch này là cách tiếp cận mới qua việc mở rộng hợp tác với châu Phi không chỉ về năng lượng, mà còn trong lĩnh vực khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước, vệ sinh, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết, Italy sẽ bắt đầu triển khai loạt kế hoạch thí điểm - từ hiện đại hóa sản xuất ngũ cốc ở Ai Cập đến lọc nước tại Ethiopia và đào tạo về năng lượng tái tạo ở Morocco. Nếu thành công, nước này sẽ mở rộng và áp dụng các dự án trên toàn châu Phi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho biết, Kế hoạch Mattei mang tính chất “bổ sung" cho gói hỗ trợ châu Phi của EU trị giá 150 tỷ Euro năm 2022. Do đó, kế hoạch của Italy và EU với châu Phi đều có mục tiêu chung, đó là hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở châu Phi, cũng như tăng cường quan hệ châu Âu - châu Phi.

Các chuyên gia nhận định rằng, ngoài mục tiêu phát triển quan hệ với khu vực châu Phi, Italy cũng thể hiện “khát khao” trong tìm ra giải pháp cho vấn đề di cư và năng lượng.

Hợp tác cùng thắng

Theo tờ News.com.au, Kế hoạch Mattie là mô hình hợp tác cùng thắng. Trong đó, Italy sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng ở châu Phi. Đổi lại, các quốc gia châu Phi sẽ thực hiện biện pháp kiểm soát và giảm bớt lượng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi sang châu Âu.

Về vấn đề năng lượng, Thủ tướng Meloni đặt mục tiêu định vị Italy là cửa ngõ năng lượng, đặc biệt là vận chuyển khí đốt tự nhiên. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga sau khi nổ ra xung đột quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, Kế hoạch này dường như tập trung nhiều vào việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như dầu mỏ và khí đốt. Khoảng 40 tổ chức xã hội dân sự ở châu Phi bày tỏ lo ngại và cảnh báo rằng, Kế hoạch Mattei có thể giúp Italy giải “cơn khát” năng lượng, nhưng điều này cũng rất nguy hiểm và dễ “phớt lờ” các cam kết môi trường hiện có.

Phát biểu với AFP, Francesco Sassi, nhà nghiên cứu địa chính trị và thị trường năng lượng tại RIE, đã chỉ trích cách tiếp cận của bà Meloni là "thiển cận" và "đơn giản quá mức" khi đối phó với tình trạng mất an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, dù thừa nhận năng lượng là khía cạnh quan trọng của Kế hoạch Mattei, các nhà phân tích cho rằng, động lực chính của bà Meloni là vấn đề di cư. Trên thực tế, số lượng người di cư ở Italy đã tăng lên, từ khoảng 105.000 người năm 2022 lên gần 158.000 người năm 2023.

Chủ tịch Liên đoàn châu Phi Azali Assoumani cho rằng, “Điều cần thiết là chúng ta phải hợp tác và phối hợp chặt chẽ để chấm dứt dòng người di cư từ châu Phi”.

Người di cư băng qua Eo biển Manche để tới cảng Dover, Anh, ngày 4/5/2023. (Nguồn: AFP)

Địa Trung Hải đã trở thành tuyến đường vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới với người di cư. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, gần 100 người đã chết hoặc mất tích ở vùng Trung và Đông Địa Trung Hải kể từ đầu năm 2024.

Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, năm có tỷ lệ tử vong cao nhất với người di cư qua biển ở châu Âu kể từ năm 2016. Do vậy, bà Meloni dự định giải quyết vấn đề bằng cách thuyết phục các quốc gia có người di cư ký kết thỏa thuận tái nhập cảnh cho những ai bị từ chối cho phép ở lại Italy.

Hội nghị quốc tế về châu Phi tại Rome, Italy ngày 29/1 đã diễn ra thành công, giúp Thủ tướng Italy công bố Kế hoạch Mattei tới các nhà lãnh đạo châu Phi và châu Âu. Kế hoạch này xoay quanh hai vấn đề chính là di cư và năng lượng. Đây là vấn đề cấp bách không chỉ riêng với Italy mà còn với các quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khác vẫn rất cẩn trọng để xem xét tính hiệu quả. Trước những ý kiến trái chiều, bà Meloni cần xem xét thật kỹ chiến lược của mình để thuyết phục được các đối tác ở châu Phi và châu Âu.

(theo Express, News.com.au)

Thu Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ke-hoach-mattei-dinh-hinh-lai-tuong-lai-italy-tai-chau-phi-259454.html