Kè hàng chục tỉ đồng ở Vĩnh Phúc vừa xây xong đã sập

Công trình kè xây dựng khu vực đền Mẫu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn thành đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.

Sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của đền Mẫu.

Sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của đền Mẫu.

Sự việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây là công trình cấp bách xử lý sự cố sạt lở nhưng mới qua vài trận mưa đầu mùa đã “tan nát”.

Công trình cấp bách mới xong đã sập

Đền Mẫu xã Sơn Đông nằm tiếp giáp với sông Phó Đáy chảy qua huyện Lập Thạch và Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua biến cố của thời gian, một phần đất tiếp giáp với sông bị sạt lở, gây mất an toàn cho ngôi đền.

Ngày 8/10/2022, khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Vụ việc được UBND huyện Lập Thạch báo cáo và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho thực hiện dự án cấp bách kè chống sạt lở.

Cụ thể, ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 1933/QĐ-CT xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch với lý do để kịp thời ngăn chặn hiện tượng sạt lở diễn tiến rất mạnh.

Đảm bảo an toàn cho đền Mẫu, xã Sơn Đông, tuyến đường dân sinh, tuyến đường dây truyền tải điện 220KV và tài sản, tính mạng của người dân gần khu vực sạt lở.

Tổng mức đầu tư công trình là 19,5 tỉ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu trong nước (rút gọn). Công trình gồm 2 hạng mục chính là xử lý sạt trượt khu vực đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m.

Ngày 9/12/2022, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc ban hành văn bản tham gia ý kiến đối với phương án xây dựng, quy mô, giải pháp kỹ thuật sơ bộ xây dựng công trình này.

Văn bản nêu rõ, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình khẩn cấp bảo đảm năng lực, kinh nghiệm.

Ban này cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo tư vấn thiết kế đo đạc, khảo sát địa hình bảo đảm số liệu sát thực tế làm tài liệu tính toán thiết kế cho phù hợp; cử cán bộ giám sát khảo sát trong quá trình khảo sát; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu khảo sát (địa hình, địa chất); bổ sung đầy đủ tài liệu thủy văn, để chuẩn xác trong tính toán các chỉ tiêu, thông số thiết kế bảo đảm an toàn, kinh tế - kỹ thuật, tránh lãng phí.

Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2724 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Theo quyết định trên, tổng giá trị gói thầu được phê duyệt là 17,726 tỉ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Thời gian thi công xong trước tháng 3/2023.

Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vĩnh Phúc). Đơn vị thi công xây lắp là liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh.

Đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc. Trung tâm Kiểm định, giám sát công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc là đơn vị tư vấn giám sát.

Cơ quan được giao thực hiện công trình khẩn cấp (chủ đầu tư) là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo đúng quy định, tổ chức khảo sát, chuẩn xác quy mô, giải pháp xây dựng... đáp ứng nhiệm vụ, tiết kiệm kinh phí và phù hợp với quy định hiện hành, không trùng lặp với các hạng mục đã và đang xây dựng.

Trong quá trình thực hiện hạng mục khẩn cấp phải xin ý kiến và được sự đồng ý cho phép của Sở NN&PTNT về quy mô, giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai thi công công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê và các công trình lân cận.

Cần điều tra trách nhiệm?

Bờ kè sập, đền Mẫu bị ảnh hưởng và cây Đề di sản phải cắt bỏ cành.

Bờ kè sập, đền Mẫu bị ảnh hưởng và cây Đề di sản phải cắt bỏ cành.

Trước khi xảy ra sự cố, công trình xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu mới thi công xong và đang chờ nghiệm thu.

Theo báo cáo của Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc thì, trong đợt mưa các ngày 25 - 27/6 vừa qua, lượng nước sông Phó Đáy chảy qua khu vực đền Mẫu lớn, lòng sông có độ dốc cao nên nước chảy xiết.

Đến ngày 28/6/2023, khu vực đền Mẫu bắt đầu xuất hiện một số vị trí nứt nhỏ tại sân phía ngoài, tại vị trí giữa tường chắn bê tông và mái nghiêng. Đến ngày 28/6/2023, tình trạng sụt lún khu vực đền diễn ra phức tạp, nhanh và liên tục.

Vào hồi 22 giờ đến 23 giờ ngày 28/6/2023, toàn bộ các hạng mục công trình kè xây dựng mới ở khu vực đền Mẫu đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.

Cụ thể, phần tường chắn bê tông đã bị xô đổ hoàn toàn, khu vực sân phía ngoài đền bị sụp lún; hệ thống lan can, sàn bê tông gãy vỡ nghiêm trọng. Đền Mẫu và cây Đề di sản có dấu hiệu chuyển vị và vết nứt tại sân đền phát triển rộng.

Thông tin với báo chí về nguyên nhân gây sập bờ kè, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Đang tìm cơ quan có năng lực để giám định, đưa ra kết luận trên cơ sở khoa học, khách quan về nguyên nhân của sự cố.

“Cơ quan giám định có thể phải giám định tất cả các khâu, trình tự quản lý kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, giải pháp kỹ thuật, thậm chí phải kiểm định cả chất lượng vật liệu, hồ sơ quản lý chất lượng và nhiều nội dung khác. Từ đó sẽ đề ra giải pháp khắc phục hậu quả”, ông Vũ nói.

Vụ sập kè chống sạt lở khiến người dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Một phần do dự án có liên quan trực tiếp tới công trình tâm linh và đây là dự án chống sạt, nhưng lại sập ngay khi có vài trận mưa đầu mùa.

Người dân sinh sống gần đền Mẫu cho biết: Nhiều năm nay, lượng nước sông Phó Đáy không quá lớn. Vì vậy, sự cố sập kè cần phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Quan sát thực tế công trình bị sập, ông Trương Giang Sơn (kỹ sư xây dựng tại Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: Đây là công trình cấp bách xử lý sạt trượt, vậy nên trước đó người ta đã biết về những nguy cơ có thể xảy ra. Đặc biệt, khi khảo sát, họ phải tính toán được các yếu tố địa chất để làm phương án thiết kế.

“Vụ việc này cần phải điều tra rõ nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của đơn vị khảo sát thiết kế hay đơn vị thi công. Từ đó, xử lý theo quy định để không gây thất thoát tài sản Nhà nước”, ông Sơn nói thêm.

Long Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ke-hang-chuc-ti-dong-o-vinh-phuc-vua-xay-xong-da-sap-post645489.html