Kẻ giết người... "vô tội"

(24h) - Vẫn tưởng câu chuyện về vợ chồng A Phủ chỉ là hư cấu văn học, nếu có thật nó cũng chỉ là lịch sử.

"Cảm ơn chị vì đã gọi tên em..." Hơn 11 năm trước, Triệu Thị Man nhập trại. Nghe nữ phạm nhân này kể lại về sự cay nghiệt của cuộc đời cô, tôi liên tưởng đến nhân vật Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Man người dân tộc Dao, sinh năm 1980. Anh cán bộ trại giam phải gọi loa đến 5 - 6 lượt, Man mới ngơ ngác bước ra. Khác với những phạm nhân ở đây, mỗi tháng được gia đình lên thăm nuôi một lần, 11 năm qua, đây là lần đầu tiên Man bước chân vào phòng khách của trại giam. Vừa trông thấy tôi, cô gái òa lên khóc. Giữa những tiếng nấc nghẹn ngào tôi nghe bập bõm: "Em cảm ơn chị vì đã gọi tên em...". Đôi mắt của cô gái người dân tộc Dao thăm thẳm nỗi buồn. Tôi chợt thấy đau lòng khi nhìn vào đôi mắt của em bởi vóc dáng này, con người này hoàn toàn không phải "sinh ra để đi tù" như những kẻ tội phạm chuyên nghiệp, đã lăn lóc, bầm dập trong cuộc đời kia. 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, Triệu Thị Man phải ra tòa, lĩnh án tù chung thân vì tội giết người. Nạn nhân trong vụ án không ai khác chính là người chồng mà em phải lấy để gán nợ. Man rùng mình, Man không muốn nhớ lại quá khứ đau đớn ấy. Gả em để gán nợ Man kể, em sinh ra ở một bản vùng núi Lũng Tâm, Lương Thông, Thông Nông, Cao Bằng. Cha mẹ em cứ mỗi năm lại sinh một đứa con, cái nghèo bám riết đến cùng quẫn. Khi đứa em thứ 7 của Man tròn 2 tuổi, cha em chết, kết thúc những năm tháng sống chìm trong khói thuốc phiện. Một năm sau, mẹ em cũng ra đi vì lao lực. 10 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Man lớn lên như cây hoang cỏ dại, đói khát không có cơm ăn nước uống, luôn thấp thỏm, sợ hãi khi bóng đêm đổ xuống che khuất từng ngọn núi. Anh cả của Man lúc này đã có gia đình. Man vẫn còn nhớ như in gương mặt hung hãn, luôn đỏ tía vì rượu của anh ta cùng lời tuyên bố: "Từ nay tao là bố mẹ của chúng mày, tao thích cho sống thì được sống, bảo chết là phải chết". Người chồng ác nghiệt năm xưa giờ có lẽ đã lấy vợ, có con, còn em phải thụ án thêm 8 năm 1 tháng 23 ngày nữa để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Quần áo tả tơi, rách rưới giữa cái buốt lạnh của núi rừng ướt đẫm sương đêm, cô bé Triệu Thị Man mới 10 tuổi, luôn phải mò mẫm, lùng sục khắp nơi để nhặt nhạnh những cành củi. Thân thể em tím tái vì rét và đói nhưng cũng chưa thể khổ sở bằng việc chống chọi với nỗi sợ hãi luôn muốn nuốt chửng lấy em. Trở về nhà với những bó củi nhỏ trong tay, Man thường xuyên bị người anh cả đánh thừa sống thiếu chết. Em không được đi học và cũng không được ai nói cho biết "đi học" nghĩa là như thế nào để mà kịp có những ước mơ, nỗi khát thèm đến trường trước khi bước chân vào nhà tù. Nghiện cả rượu và thuốc phiện lại lười biếng, không chịu cày cuốc, anh trai của Man trở thành con nợ. Anh ta nhiều lần gạ bán Man cho những người đàn ông trong bản nhưng không ai mua. Khi số tiền nợ quá lớn và không thể trang trải, anh ta thẳng thừng mang số phận đứa em gái từ lâu đã là cái gai trong mắt anh ta "quẳng" cho chủ nợ. 16 tuổi, Man về nhà chồng cùng với những giọt nước mắt tức tưởi, đau đớn vì nếu không chịu đi, anh trai dọa sẽ giết chết. Chồng Man hơn em 2 tuổi, là con trai chủ nợ của anh Man. Cuộc sống vợ chồng hình thành nên từ việc gán nợ vốn dĩ đã không phải là cuộc sống, lại thêm đủ mọi thói hư tật xấu của anh ta như rượu, thuốc phiện... khiến Man thêm một lần nữa rơi xuống tầng sâu địa ngục. Thường xuyên bị trói vào cột nhà, bị đánh bằng đòn gánh và móc xích, nhốt trong phòng tối, bỏ đói hoặc cưỡng hiếp bất cứ lúc nào, Man thấy mình không được bằng con vật nuôi trong nhà chồng. Đầu độc chồng bằng thuốc chuột 3 năm sống dở chết dở với cuộc hôn nhân gán nợ, Man không còn đủ sức chịu đựng. Căm phẫn, em nảy sinh ý nghĩ giết chồng để không phải chung sống với nhau nữa. Nung nấu thực hiện ý định trên nhiều lần nhưng Man vẫn chưa dám làm. Chiều tối ngày 12/4/1999, Man bị lột trần rồi bị trói vào cột nhà, gã chồng đội lốt thú dùng roi điện quất túi bụi lên người Man và tiếp tục lôi xềnh xệch em ra giữa nhà để thỏa mãn thú tính. Lòng đầy uất hận, Man lết vào góc nhà, vừa liếm láp những vết thương trên thân thể vừa suy nghĩ việc đầu độc chồng bằng thuốc chuột. Trưa ngày hôm sau, lợi dụng lúc trong bếp không có người, Man lẻn vào tìm chai thuốc chuột rồi đổ vào đĩa dạ dày để bên cạnh bếp. Chồng Man là Tịnh Văn Thim và em chồng là Tịnh Văn Xú về đến nhà thấy mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ việc ngồi vào mâm cơm. Sau khi ăn xong, Xú đổ vật ra nền nhà vì chóng mặt buồn nôn, được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và chết lúc 2h cùng ngày. Còn Thim sau thời gian điều trị tại bệnh viện đã qua cơn nguy kịch, trở về nhà. 11 năm 4 tháng 7 ngày tù… Người đàn ông lẽ ra phải bị đưa ra xét xử về tội hành hạ, ngược đãi vợ cuối cùng lại trở thành nhân chứng, nạn nhân trong phiên tòa xét xử Triệu Thị Man về tội giết người. Man run rẩy tra tay vào còng số 8, trước vành móng ngựa, em cũng chưa thật sự hiểu hết điều gì đang diễn ra với cuộc đời mình và em còn phải chịu đựng những nghiệt ngã nào của số phận. Lúc đó, lĩnh bản án tù chung thân em chỉ thấy lòng nhẹ nhõm vì sẽ được "chuyển" đến một nơi khác để sống, không phải sống cùng người chồng ác nghiệt đó nữa. Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt tôi, thời gian 11 năm 4 tháng 7 ngày tù khiến Man thấm thía trọn vẹn những đắng cay, mất mát của chốn ngục tù. Nước mắt em một lần nữa lã chã tuôn rơi khi nhắc đến hai đứa em nhỏ nhất đang lần hồi kiếm miếng cơm, manh áo giữa núi rừng đại ngàn. "Phải chi em không phạm tội, phải chi em được ở nhà để kiếm sống nuôi các em...?". Man ôm mặt khóc, nước mắt tràn qua các kẽ ngón tay rơi xuống, ướt đẫm vạt áo. Man kể, những ngày đầu nhập trại vô cùng khó khăn đối với em vì em không biết chữ cũng chỉ hiểu được rất ít tiếng Kinh. Man luôn thu mình trong góc phòng giam và hoảng hốt mỗi khi có ai nhắc đến mình. Phải mất rất nhiều thời gian, các cán bộ ở trại mới giúp em hòa nhập được cuộc sống nơi này. Man đã được học chữ, học nghề. Và mỗi lần ngồi đan găng tay trong khu vực lao động, em lại nghĩ đến những đứa em của mình, ước ao đôi găng tay em đan có thể đến được với chúng, giữ ấm đôi bàn tay nhỏ bé của chúng trước cái lạnh tê cóng của núi rừng. Người chồng ác nghiệt năm xưa giờ có lẽ đã lấy vợ, có con, còn em phải thụ án thêm 8 năm 1 tháng 23 ngày nữa để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Nhưng Man biết em sẽ đi được hết con đường gian nan này để trở về, làm chỗ dựa cho những đứa em của em. Có lẽ, nếu Man là nhân vật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ thì tôi tin tác giả Tô Hoài đã xử em vô tội. 24H.COM.VN (Theo Bee.net.vn)

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/ke-giet-nguoi-vo-toi-c51a326724.html