Kể chuyện nàng công chúa Việt lấy thương nhân Nhật Bản cách đây 400 năm bằng tranh

'Công nữ Anio', cuốn tranh truyện về công chúa Ngọc Hoa lấy chồng là thương nhân Nhật Bản từ cách đây 400 năm đã được Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức giới thiệu tới bạn đọc nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chị Hoàng Thanh Thủy, Trưởng Ban biên tập sách thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ về cuốn sách trong buổi ra mắt sách.

Đây là một dự án đặc biệt của Nhà xuất bản Kim Đồng, khi lần đầu tiên một cuốn sách kết hợp giữa tác giả Việt Nam và Nhật Bản, nhưng tác giả viết lời là Koshiya Katsuji, còn tác giả thể hiện tranh minh họa là họa sĩ Lưu Đình Thắng của Việt Nam.

Trang bìa cuốn tranh truyện "Công nữ Anio".

Bộ truyện tranh do Kim Đồng phối hợp với Nhà xuất bản Kadokawa của Nhật Bản thực hiện. “Công nữ Anio” kể về câu chuyện từ cách đây 400 năm trong lịch sử, con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong (còn gọi là công nữ Ngọc Hoa) kết nối mối bang giao chính thức đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản khi lấy chồng là Araki Sotaro, một võ sĩ đạo, thương nhân Nhật Bản. Công chúa Ngọc Hoa đã lên thuyền theo chồng sang sinh sống tại Nagasaki.

Tương truyền rằng, khi sinh sống tại Nagasaki, công chúa thường gọi chồng “Anh ơi”, người dân ở đó nghe thành “Anio” và từ đó họ trìu mến gọi nàng là Anio. Cho đến tận ngày nay, vào tháng 10 hằng năm, người dân Nagasaki lại tái hiện cảnh lễ rước kiệu đón công nữ Anio trong phân cảnh thuyền Châu Ấn (thuyền thương mại của các thương nhân Nhật Bản ra nước ngoài) tại lễ hội mùa thu Nagasaki Okunchi, như một biểu tượng cho mối bang giao bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Những bức vẽ thể hiện đặc trưng văn hóa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Chia sẻ về cuốn truyện tranh, ông Aoyagi Masayuki, Giám đốc Nhà xuất bản Kadokawa (Nhật Bản) cho biết: “Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về công nữ Anio cùng người chồng Araki Sotaro, vì vậy, khi đọc cuốn truyện, độc giả có thể tự mình tưởng tượng ra câu chuyện của hai nhân vật khi đó. Tôi hy vọng bạn đọc khi đọc cuốn sách này sẽ biết thêm về giai đoạn lịch sử của hai nước khi đó. Tôi mong rằng cuốn sách này sẽ là một cánh cổng để bạn đọc tiếp cận với lịch sử, với những tri thức mới”.

Tác giả Koshiya Katsuji, người phụ trách nội dung cuốn sách chia sẻ: “Lịch sử không ghi lại nhiều thông tin về công nữ Anio và Araki Sotaro. Chỉ biết rằng, họ sinh sống với nhau ở Nagasaki và có một cô con gái. Công nữ Anio được người dân ở đây rất đỗi yêu mến. Thế nhưng, do những chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật Bản với các nước khi đó, mà nàng công nữ đã không thể trở về Tổ quốc thêm một lần nào nữa. Thương nhân Araki Sotaro mất năm 1636, còn công nữ Anio qua đời năm 1645. Điều trùng hợp kỳ lạ là cả hai người cùng nhắm mắt vào đúng ngày 7/11”.

Tác giả Koshiya Katsuji cũng chia sẻ rằng, cho dù Tổ quốc, ngôn ngữ và văn hóa có khác nhau, nhưng nếu chúng ta đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, chúng ta vẫn có thể trở nên thân thiết và thấu hiểu lẫn nhau. Tôi rất mong độc giả khi đọc cuốn sách này sẽ cảm nhận được phía trước chúng ta là một tương lai tươi sáng, hạnh phúc”.

Cuốn tranh truyện được thực hiện trong vòng 1 năm. Biên tập viên Nguyễn Phương Hoa, người biên tập cuốn sách cho biết, điều khó khăn nhất đối với toàn bộ nhóm sản xuất “Công nữ Anio là làm sao để kể được một câu chuyện hấp dẫn, gần gũi dựa trên các nguồn sử liệu mà cả hai nước đang lưu giữ về cuộc đời của công nữ Anio và chồng. Các bên tham gia dự án đã nỗ lực đem đến một sản phẩm chỉn chu, phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi, góp phần vào kho tàng truyện kể về những nhân vật lịch sử của dân tộc”.

Các bức vẽ đoạt giải trong cuộc thi vẽ "Công nữ Anio".

Được biết, đội ngũ thực hiện cuốn sách cũng đã tham vấn các chuyên gia lịch sử, văn hóa hai nước và nghiên cứu nhiều tài liệu lịch sử, trong đó có bản (sao) bài “Châu ấn Ngoại thương” (của Trung tâm Lưu trữ quốc gia Nhật Bản) giới thiệu lịch sử, phong tục, ngôn ngữ và địa lý Việt Nam dưới thời Chúa Nguyễn, có đề cập đến câu chuyện theo chồng sang Nhật Bản của công chúa Ngọc Hoa.

Cuốn sách được họa sĩ trẻ Lưu Đình Thắng vẽ minh họa, với những nét vẽ tươi sáng, dễ thương. Các bức vẽ cũng mô tả những nét đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, như thương cảng Hội An vào thế kỷ XVII, đoàn thuyền Châu Ấn, các thương nhân Nhật Bản, trang phục, phong cảnh, bài trí, món ăn, lễ cưới và lễ rước truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản…

Chị Hoàng Thanh Thủy, Trưởng Ban biên tập sách thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ, cuốn sách là một mối lương duyên giữa Nhà xuất bản với các đơn vị, đối tác tham gia thực hiện. “Nếu như trước đây, chúng ta chỉ đơn thuần là nhập khẩu sản phẩm văn hóa, nhập những sản phẩm văn hóa đã hoàn thành từ nước ngoài về, chuyển ngữ và phát hành tới độc giả, thì nay Kim Đồng đã tham gia vào phần sáng tạo cả nội dung và hình thức thể hiện cùng đối tác. Văn hóa đã trở thành cây cầu kết nối, hợp tác giữa xuất bản hai bên”- chị Hoàng Thanh Thủy chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, từng có thời gian 8 năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản cho rằng, lịch sử đã để lại những khoảng trống về cuộc đời Anio và người chồng Araki Sotaro, nhưng đó lại chính là cơ hội để các sáng tác văn học nghệ thuật thỏa sức tưởng tượng, xây dựng nên những câu chuyện thật đẹp về biểu tượng lâu bền của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

*Câu chuyện về nàng công nữ Anio cũng đã được các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản xây dựng thành vở opera cùng tên, được công diễn tại Việt Nam trong từ 22 đến 24/9 và ra mắt công chúng Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11 tới.

*Trong khuôn khổ dự án “Công nữ Anio”, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Công nữ Anio”. Các tác phẩm đoạt giải được in kèm trong cuốn truyện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ke-chuyen-nang-cong-chua-viet-lay-thuong-nhan-nhat-ban-cach-day-400-nam-bang-tranh-post774050.html