Kể chuyện giải thoát Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài

Đã 65 năm trôi qua nhưng ông Lê Văn Thống vẫn còn nhớ như in về “nhiệm vụ đặc biệt” trong đời. “Tối hôm ấy, tôi và anh em trong Tổ Xung kích thao thức, chuẩn bị sẵn sàng chờ đến giờ G là lên đường làm nhiệm vụ đặc biệt - giải thoát Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài. Tuy cuộc giải thoát bất thành nhưng để lại dấu ấn khó quên trong tôi”, ông Thống nhớ lại.

Ở tuổi 85, ông Thống vẫn tích cực tham gia công tác hội. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Văn Thống ở phường 4, TX Tuy Hòa được giác ngộ cách mạng và tình nguyện tham gia vào Đội Trinh sát do đồng chí Đặng Náo, Chánh Văn phòng Tỉnh đội Phú Yên phụ trách, đóng quân tại Thọ Vức, Hòa Kiến.

Nhiệm vụ đặc biệt

Năm 1954, thực dân Pháp mở chiến dịch Át-lăng, đánh chiếm Phú Yên, người dân đi sơ tán khắp nơi. Khu ủy và Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ cơ sở phải tìm ra những “hạt giống đỏ” để làm cầu nối giữa Đảng và quần chúng trong lòng địch. Tỉnh đội Phú Yên phân công đồng chí Đặng Náo xây dựng, đưa Lương Công Trắp và Lê Văn Thống xuống nằm vùng hoạt động ở tỉnh lỵ TX Tuy Hòa, liên lạc, nắm tình hình của địch cung cấp cho cơ sở cách mạng.

Sau Hiệp định Genève tháng 7/1954, Thường vụ Khu ủy 5 phân công đồng chí Lê Đài ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Đồng chí cùng một số cán bộ chủ chốt đứng ra xây dựng, củng cố tổ chức đảng và các cơ sởcách mạng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 27/12/1955, đồng chí Lê Đài bị địch phát hiện, vây bắt khi đang trên đường đi công tác đến xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Trong nhà lao (Ty Cảnh sát ngụy), địch đã dùng mọi cực hình tra tấn đồng chí Lê Đài chết đi sống lại. Sau đó chúng tung tin Lê Đài chiêu hồi, kêu gọi anh em đảng viên ly khai.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đề nghị các tổ chức cơ sở móc nối tìm mọi phương pháp để giải thoát đồng chí Lê Đài ra khỏi nhà lao càng sớm càng tốt. Đồng chí Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng Ty An ninh Phú Yên cải trang xuống TX Tuy Hòa để liên hệ với cơ sở nội thị nguyên là Ban Cán sự Đảng TX Tuy Hòa nằm vùng hoạt động bất hợp pháp trong lòng địch. Lúc này, Ban Cán sự Đảng có các đồng chí: Đặng Chuyển, Võ Thị Kim Đính, Võ Thị Hồng Giác, Trần Thị Cháu, Diệp Bảo Giang (chủ tiệm sửa chữa đồng hồ Bảo Gấm lớn nhất TX Tuy Hòa hồi đó). Theo sự chỉ đạo của cấp trên, các đồng chí này có nhiệm vụ kết nối, liên lạc với người trong tổ chức ở nhà lao để đưa thuốc men vào điều trị vết thương cho đồng chí Lê Đài và tìm cách giải thoát đưa ra ngoài.

Ban Cán sự Đảng đã họp bàn móc nối với người trong nhà lao. Lúc này chỉ có Đặng Văn Cảnh, nguyên bộ đội Tỉnh đội Phú Yên, được cho đi hành dịch, ra ngoài đi chợ nên cơ sở tiếp xúc, làm quen và được ông này đồng tình. Sau đó, ông Cảnh cho biết đồng chí Lê Đài bị địch đánh liệt nằm một chỗ nên cơ sở thường xuyên gửi thuốc men vào để điều trị vết thương. Bên ngoài, tổ chức đã thành lập Tổ Xung kích giải thoát đồng chí Lê Đài gồm: Võ Thị Kim Đính, Võ Thị Hồng Giác, Trần Thị Cháu, Trần Châu, Lê Văn Thống, Nguyễn Tài Soa, Lê Thị Cụt và Diệp Bảo Giang.

Giờ G và cuộc giải thoát bất thành

Phương án, thời gian giải thoát đồng chí Lê Đài là tối 20 rạng sáng 21/1/1956 (nhằm mùng 8 tháng Chạp), là ngày lễ Phật Thích ca thành đạo. Vì số lính trực gác đều là tín đồ Phật giáo nên họ sẽ đi chùa dự lễ về khuya, ngủ say là điều kiện thuận lợi để tổ triển khai kế hoạch. “Vào 0 giờ, xuất phát từ nhà đồng chí Cụt, tôi và đồng chí Đính sẽ áp sát cửa nhà lao để tiếp nhận và đưa đồng chí Lê Đài ra, di chuyển về phía ngã ba đường Phan Đình Phùng - Tản Đà.

Đồng chí Trần Châu và Nguyễn Tài Soa tiếp nhận đồng chí Đài và dùng võng khiêng đi theo đường Tản Đà đến ngã tư rạp Diên Hồng (nay là Nhà văn hóa Diên Hồng) chuyển giao cho đồng chí Giác và Cụt đưa lên cầu Ông Chừ. Tại đây cơ sở ở Hòa Trị của đồng chí Hà Thị Vận, Hà Thị Lý đưa 2 chiếc sõng cải trang đi đánh cá đón chờ sẵn, đưa lên cầu Bến Lội tiếp tục chuyển giao đưa lên Hòa Quang rồi thẳng lên căn cứ. Ám hiệu liên lạc là dùng đèn pin 3 màu: màu xanh an toàn, màu vàng nghi ngờ, màu đỏ nguy hiểm”, ông Thống kể.

Tối 20/1/1956, tại nhà bà Lê Thị Cụt, Tổ Xung kích họp bàn phương án, thống nhất thời gian và địa điểm duyệt lần cuối giữa hai bên, trong nhà lao là ông Cảnh và bên ngoài thống nhất hành động. Ông Thống nhớ lại: “Đúng 0 giờ, chúng tôi xuất phát từ nhà đồng chí Cụt. Mỗi người đều ghi nhớ nhiệm vụ được phân công. Tôi và đồng chí Đính có mặt đối diện cửa nhà lao chờ sẵn. Lúc đó, sương mù dày đặc. Tôi nhìn thấy mờ mờ có một người dìu một người đi khập khiễng bước ra cửa nhà lao. Tôi liền áp sát thì một mũi súng chĩa vào đầu tôi. Biết có chuyện chẳng lành xảy ra, tôi lén đưa tay ra sau để bấm đèn pin màu đỏ ra ám hiệu nhưng bị tên cảnh sát bẻ quặp tay tôi lại. Chúng bắt tôi và đồng chí Đính giam vào Ty Cảnh sát. Sau đó, lần lượt một số người tham gia giải thoát đồng chí Lê Đài cũng bị địch bắt. Sau này, tôi mới biết do Đặng Văn Cảnh phản bội, chiêu hồi”.

Trong nhà lao, địch đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man những người tham gia giải thoát tù nhân cộng sản Lê Đài, nhưng không ai hé răng dù chỉ nửa lời. “Ban đêm, chúng bắt từng người một ra đánh đập, tra khảo. Như đồng chí Giác, khi chúng đưa trở lại buồng giam trên người đầy thương tích, máu me. Còn đồng chí Đính bị đánh cứng cả hai hàm răng, tôi phải lấy chiếc đũa bếp xới cơm cạy ra nhỏ từng giọt sữa”, ông Thống nhớ lại.

Sau khi tin đồng chí Lê Đài bị địch thủ tiêu trong nhà lao, anh em trong tù báo cho nhau rồi thống nhất thời gian cùng nhau làm lễ truy điệu. Sự kiên trung bất khuất và hy sinh của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài đã thôi thúc lòng căm thù Mỹ - ngụy trong lòng cán bộ và nhân dân Phú Yên, tuy sống trong sự kìm kẹp của địch vẫn tin tưởng và hướng về cách mạng.

Ngày 16/10/1991, Tỉnh ủy Phú Yên đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm đồng chí Lê Đài, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, hy sinh oanh liệt trong nhà tù Mỹ - Diệm ngày 26/10/1956.

Nhà báo, nhà thơ

Sau một năm rưỡi chịu nhiều cực hình tra tấn, ông Thống được ra tù và cùng bà Giác tiếp tục móc nối cơ sở hoạt động, còn bà Đính thoát ly ra căn cứ. Ông Thống được phân vào tổ chức Liên trinh 80, 83 hoạt động tại TX Tuy Hòa, liên lạc, nắm tình hình địch cung cấp cho cơ sở, vận động mua lương thực và nhu yếu phẩm tiếp tế lên căn cứ.

Theo ông Thống, tuy kế hoạch giải thoát đồng chí Lê Đài không thành nhưng là một nỗ lực của công tác dân vận và tạo tiếng vang lớn. Cơ sở cách mạng trong lòng TX Tuy Hòa vẫn duy trì và phát triển mạnh. Cũng trong lần bị địch bắt này, ông may mắn được gặp đồng chí Bùi Hóa, Chánh Văn phòng Ty An ninh Phú Yên, là người bị giam chung với ông trong nhà lao. Ông đã được đồng chí Bùi Hóa bồi dưỡng, giáo dục về lý tưởng cách mạng. Nhờ vậy mà ông trưởng thành hơn.

Sau ngày giải phóng đất nước, ông Thống công tác tại Tạp chí Văn nghệ giải phóng thuộc Ty Văn hóa - Thông tin Phú Yên. Năm 1975, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sáp nhập thành Phú Khánh, ông phụ trách công tác thanh niên ở phường 4, TX Tuy Hòa. Năm 1977, ông trở thành phóng viên Báo Phú Khánh. Vì điều kiện gia đình, ông xin chuyển công tác về địa phương và tham gia HĐND phường với 5 nhiệm kỳ; từng trải qua các vị trí công tác: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND phường 4, Trưởng Ban Thư ký HĐND TX Tuy Hòa, Chánh Văn phòng UBND TX Tuy Hòa, Ủy viên thường trực HĐND TX Tuy Hòa. Từ năm 1992, ông công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đến năm 2000 nghỉ hưu. Trong thời gian này, nhiều người biết đến nhà thơ Lê Khánh Nam - bút danh của ông hơn là tên thật Lê Văn Thống.

Khi về hưu, ông tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, kiêm Phó Trưởng Ban liên lạc tù chính trị yêu nước phường 4, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tù chính trị yêu nước TP Tuy Hòa cho đến nay.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/268741/ke-chuyen-giai-thoat-bi-thu-tinh-uy-le-dai.html