Kê biên nhiều bất động sản của các bị can trong vụ khai thác quặng Apatit trái phép

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lào Cai, tổng số tiền các bị can trong vụ khai thác quặng Apatit trái phép đã khắc phục hậu quả đến nay là hơn 229 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên nhiều bất động sản và phong tỏa các tài sản để đảm bảo thi hành án.

Trong vụ án khai thác quặng Apatit trái phép xảy ra tại tỉnh Lào Cai, Viện KSND tỉnh Lào Cai đã ra cáo trạng tuy tố 16 bị can về các tội: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan chức năng khám xét nơi ở của một bị can

Theo đó, các bị can: Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Mai Đình Định, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Phan Văn Cương (cựu Phó Giám đốc Sở Công Thương), Ngô Đức Hoàng (chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh), Lê Ngọc Dương (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Riêng bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, bị truy tố 2 tội “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Giám đốc Công ty Lilama hợp thức 177 tỷ phi pháp thế nào?

Hành vi phạm tội “Rửa tiền” của bị can Nguyễn Mạnh Thừa thể hiện: Từ năm 2013 – 2015, toàn bộ số tiền hơn 451 tỷ đồng thu được từ việc khai thác, bán quặng, Thừa đã chỉ đạo nhân viên đưa vào hạch toán hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo sổ sách, chứng từ và hồ sơ báo cáo quyết toán thuế hàng năm của Công ty Lilama, toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác, bán quặng đã được Công ty Lilama sử dụng: Chi phí bốc xúc, vận chuyển quặng Apatit hơn 295 tỷ đồng; thuê phương tiện, máy móc để khai thác hơn 16 tỷ đồng; chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho công nhân viên, người lao động hơn 23 tỷ đồng; tiền nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường hơn 33 tỷ đồng; chi thuê khoan phá đá, nổ mìn hơn 6 tỷ đồng; mua xăng dầu phục vụ việc khai thác, vận chuyển hơn 39 tỷ đồng; mua phụ tùng sửa chữa thay thế máy móc thiết bị hơn 12 tỷ đồng; nộp vào ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, để hợp thức hóa nguồn tiền thu được từ việc khai thác quặng Apatit trái phép, Thừa đã thỏa thuận với 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá cho Thừa mượn tài khoản để Công ty Lilama chuyển nhờ số tiền thu được từ việc bán quặng apatit vào tài khoản của các cá nhân này, khi thanh toán thì trả lại cho Thừa.

Hoạt động khai thác quặng Apatit tại Lào Cai

Khi được các cá nhân này đồng ý, Thừa đã chỉ đạo kế toán lập các hợp đồng, biên bản nghiệm thu để nâng khống giá cước vận chuyển quặng, đất đá và nâng khống khối lượng đất đá. Sau đó đến Chi cục thuế huyện Bảo Thắng và Chi cục thuế TP Lào Cai mua hóa đơn bán lẻ theo các hợp đồng kinh tế và biên bản nghiệm thu khống.

“Từ năm 2013- 2015, Thừa đã chỉ đạo thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của công ty và một tài khoản khác của 12 cá nhân này nhiều lần với tổng số tiền hơn 182 tỷ đồng. Trong đó hơn 5,6 tỷ đồng là số tiền cước vận chuyển quặng, đất đá thực tế 12 cá nhân này được nhận, số tiền còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền nâng khống về giá cước vận chuyển quặng, đất đá, khối lượng vận chuyển đất đá”, cáo trạng nêu.

Đối với số tiền hơn 177 tỷ đồng, Thừa khai đã dùng 21,1 tỷ đồng mua 1 lô đất ở TP Lào Cai rồi cho con trai đứng tên chủ sở hữu; chuyển hơn 33 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Đồng Tả Phời để mua cổ phần; rút 5 tỷ đồng mở tài khoản tiết kiệm mang tên con gái và cho 2 cô con dâu gửi tiết kiệm.

Cáo trạng xác định, Thừa còn dùng hơn 6,5 tỷ đồng để mua đất của các hộ dân ngoài phạm vi 3,77 ha để khai thác khoáng sản trái phép; dùng 5 tỷ đồng để biếu cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh vào dịp Tết năm 2015. Số tiền còn lại, bị can khai đã dùng vào nhiều việc khác và đưa cho một số cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo của Công ty Apatit Việt Nam và một số người khác nhưng quá trình điều tra không làm rõ được.

Các bị can khắc phục hậu quả ra sao?

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lào Cai xác định, đến nay tổng số tiền các bị can trong vụ khai thác quặng Apatit trái phép đã khắc phục hậu quả là hơn 229 tỷ đồng.

Cụ thể, bị can Nguyễn Mạnh Thừa và gia đình đã tự nguyện bồi thường khắc phục, gồm: 4.080.000 cổ phần Công ty cổ phần Đồng Tả Phời có giá trị tương đương 48 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã tác động gia đình nhà vợ khắc phục thêm 3 tỷ đồng tiền mặt.

“Đối với số tiền 184.512.328.680 đồng Công ty TNHH MTV Apatit thu lợi bất chính. Công ty TNHH MTV Apatit đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả”, cáo trạng nêu rõ.

Bên cạnh đó, các bị can đã tác động gia đình bồi thường khắc phục hậu quả gồm Doãn Văn Hưởng 200.000.000 đồng; Nguyễn Thanh Dương 200.000.000 đồng; Phan Văn Cương 100.000.000 đồng; Mai Đình Định 150.000.000 đồng; Lê Ngọc Dương 62.000.000 đồng.

Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã tiến hành kê biên nhiều bất động sản và phong tỏa các tài sản để đảm bảo thi hành án.

Riêng bị can Nguyễn Mạnh Thừa, bị kê biên 2 thửa đất biệt thự và nhà xây trên đất tại Phường Bắc Cường (TP.Lào Cai); kê biên thửa đất rộng 301 m2 cùng một thửa đất khác đã xây nhà ở huyện Bảo Thắng, đều đứng tên bị can Thừa; kê biên thửa đất rộng 262,5 m2 tại phường Lào Cai (TP.Lào Cai), do vợ chồng con trai bị can Thừa đang sử dụng để kinh doanh. Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn tạm giữ một chiếc ô tô BMW X6 đứng tên bị can Thừa,

Bị can Nguyễn Văn Vịnh, bị kê biên diện tích đất rộng 100 m2 và nhà xây trên đất, địa chỉ tại P.Cốc Lếu (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Bị can Nguyễn Thanh Dương, bị kê biên diện tích đất rộng 179,9 m2 và nhà xây trên đất tại phường Cốc Lếu (TP.Lào Cai) đứng tên bị can Dương; diện tích đất rộng 560,5 m2 và nhà biệt thự tại phường Bắc Lệnh (TP.Lào Cai), cấp cho vợ chồng bị can Dương.

Bị can Lê Ngọc Hưng, bị kê biên diện tích đất rộng 263,1 m2 cùng nhà xây trên đất tại phố Bắc Cường (TP.Lào Cai) cấp cho bị can Hưng; 2 căn hộ chung cư tại Hà Nội đứng tên vợ chồng bị can Hưng.

Bị can Phan Văn Cương bị kê biên một nhà đất có diện tích 222,2m2 tại phố Bắc Cường (TP. Lào Cai) do vợ chồng bị can Cương đứng tên và một biệt thự song lập diện tích 96,6 m2.

Cáo trạng xác định, từ năm 2012 – 2015, các bị can nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan biết rõ diện tích 3,77ha tại thôn 2, xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) thuộc khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit tại Quyết định số 28 ngày 18/8/2008 và thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản tại đây thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm trái công vụ, ký các văn bản, giấy chứng nhận đầu tư trái quy định của pháp luật cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Công ty Lilama) xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng. Tạo điều kiện cho các bị can thuộc Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit trị giá hơn 610 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 360 tỷ đồng.

Đỗ Việt

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ke-bien-nhieu-bat-dong-san-cua-cac-bi-can-trong-vu-khai-thac-quang-apatit-trai-phep-401678.html