KBC của đại gia Đặng Thành Tâm: Doanh thu tăng vọt gấp 4, lý do lợi nhuận vẫn giảm

Do chưa kịp bàn giao đất khu công nghiệp trong quý này, doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh.

Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023. Trong quý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 247 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trong quý là 18,55 tỷ đồng, giảm 1.916,53 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý III/2023 đạt 51 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 đạt 1.559 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2023 là 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.957 tỷ đồng.

Theo giải trình của KBC, nguyên nhân chủ yếu do trong kỳ công ty chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu và Tân Phú Trung, với tổng diện tích 50ha đã ký. Tổng giá trị hợp đồng đã ký lên tới 1.700 tỷ đồng và dự kiến có thể bàn giao trong quý IV này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc đạt 4.798 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.926 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4 lần về doanh thu nhưng giảm 5% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng nợ phải trả trên 13.684 tỷ đồng, giảm gần 20% so với đầu năm. Kinh Bắc đã trả nợ gốc gần 4.261 tỷ đồng trong kỳ và không còn dư nợ trái phiếu. Tổng dư nợ vay còn lại 3.868 tỷ đồng.

Mới đây, HĐQT vừa thông qua việc vay vốn các công ty thành viên theo hình thức tín chấp trong thời hạn 3 năm để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, KBC sẽ vay của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang 3.000 tỷ đồng, của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng 2.500 tỷ đồng. Lãi suất cho vay theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Ông Đặng Thành Tâm từng chia sẻ, ông và KBC “may mắn, chứ không tài giỏi gì” khi doanh nghiệp bất động sản công nghiệp bứt phá, tiền dồi dào và quỹ đất lớn sẵn sàng phục vụ các tập đoàn lớn nước ngoài, trong đó có Apple.

Thời gian qua, KBC cho thuê đất khu công nghiệp với giá cao hơn (gấp 1,5-2 lần) và đang nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* ABB: Theo BCTC 9 tháng đầu năm, ABBank đạt được hơn 708 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, do giảm thu nhập lãi thuần và tăng trích dự phòng rủi ro.

* HAH: Quý III/2023, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đạt hơn 681 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt gần 106 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, công ty ghi nhận tăng trưởng âm về lợi nhuận.

* BCC: CTCP Xi măng Bỉm Sơn vừa công bố BCTC quý III/2023 với ghi nhận doanh thu thuần hơn 660 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ; lỗ ròng gần 56 tỷ. Đây là quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Xi măng Bỉm Sơn.

*TMP: CTCP Thủy điện Thác Mơ báo lãi ròng hơn 115 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm đến 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch năm.

* IDI: CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu 1.749 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, IDI lãi ròng 19 tỷ đồng trong quý III, giảm 80% so với cùng kỳ.

* BIC: CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ghi nhận lãi ròng 9 tháng đầu năm 2023 hơn 324 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước nhờ chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng chậm hơn doanh thu cùng với hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.

*VCS: Trong quý III/2023, CTCP Vicostone ghi nhận doanh thu thuần gần 1.029 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 195 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.

* SHB: Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với tổng tài sản cán mốc 596.000 tỷ đồng, tăng 8,13% so với đầu năm. Huy động vốn thị trường 1 đạt gần 475.000 tỷ đồng. Vốn tự có theo Basel II đạt 67.801 tỷ đồng.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 30/10, VN-Index giảm 18,22 điểm (-1,72%) xuống 1.042,4 điểm, HNX-Index giảm 6,7 điểm (-3,07%) xuống 211,34 điểm, UpCOM-Index giảm 0,82 điểm (-0,98% ) xuống 82,28 điểm.

Theo Chứng khoán Shinhan (SSV), trong các phiên tới, VN-Index vẫn có thể giảm thêm dù hiện tại chạm vùng hỗ trợ cứng. Trong kịch bản xấu, nếu VN-Index thủng vùng 1,020 điểm thì khả năng sẽ về vùng 950-1.000 điểm. Tuy nhiên, SSV cho rằng xác suất của kịch bản này là không cao.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường mặc dù tiếp tục giảm nhưng đã quay trở lại vùng tích lũy trung hạn trước đây và rất có thể sẽ tiến đến trạng thái tích lũy lại. Trong ngắn hạn VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm và có thể xuất hiện các nhịp phục hồi kỹ thuật.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tạm thời đứng ngoài quan sát diễn biến và có thể tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Nhà đầu tư trung dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và chờ thị trường tích lũy ổn định trở lại.

Ngọc Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kbc-cua-dai-gia-dang-thanh-tam-doanh-thu-tang-vot-gap-4-ly-do-loi-nhuan-van-giam-2208698.html