Kazuo Ishiguro-bậc thầy phân tích nhân tính

Ngay khi Viện Hàn lâm Thụy Điển xứng tên nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro giành Giải thưởng Nobel Văn học năm 2017, rất nhiều người bất ngờ. Cái tên Kazuo Ishiguro không hề nằm trong danh sách các nhà văn được các hãng cá cược đánh giá cao.

Lẽ ra phải là Ko Un (Hàn Quốc), Amos Oz (Israel), Don DeLilo (Mỹ), Javier Marias (Tây Ban Nha)... và cả đồng hương Nhật Bản Haruki Murakami. Bản thân Kazuo Ishiguro khi được Hãng thông tấn BBC báo tin đoạt giải Nobel còn tỏ ra nghi ngờ, nghĩ rằng đó là một tin giả.

Bất ngờ là một chuyện còn về chất lượng tác phẩm của Kazuo Ishiguro thì không có nhiều bàn cãi. Dù mới chỉ xuất bản 7 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn và vài ba kịch bản, Kazuo Ishiguro từ ba thập niên qua được xem là nhà văn Anh ngữ hàng đầu. Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều trở thành sách bán chạy, đáng chú ý là ông đã sớm giành giải thưởng uy tín nhất của văn học Anh ngữ Man Booker từ năm 1989 với tiểu thuyết “Tàn dư của ngày”, chỉ sau 7 năm xuất bản tiểu thuyết đầu tay. Năm 2008, Tạp chí Timesđã xếp ông vào vị trí thứ 32 trong danh sách 50 nhà văn Anh xuất sắc nhất kể từ năm 1945. Và đến năm 2017, khi giành được Giải Nobel Văn học, ông cho rằng giải thưởng sẽ có tác động nhất định cho việc kết nối ông với các độc giả chân chính yêu thích cái đẹp chứ không chỉ đắm mình vào thế giới giải trí quen thuộc.

Kazuo Ishiguro không thuộc tuýp nhà văn sớm thành công ở những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp lẫn đường đời. Ông sinh năm 1954 tại thành phố Nagasaki (Nhật Bản), lên 5 tuổi gia đình ông chuyển đến thị trấn Guildford ở miền Nam nước Anh; chỉ đến khi ngoài 30 tuổi ông mới quay về thăm cố hương. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Kent với chuyên ngành ngôn ngữ Anh và triết học. Với xuất phát điểm như vậy, rõ ràng ông được xem là người Anh hơn là một người Nhật Bản. Thời trẻ, Kazuo Ishiguro thần tượng các nghệ sĩ trong phong trào văn hóa đại chúng như ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan (đoạt Giải Nobel Văn học 2016), nhạc sĩ, nhà thơ Leonard Cohen và ước mơ trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra mình không có triển vọng thành danh trong âm nhạc và đến khi ngoài 20 tuổi, ông mới chuyên tâm viết văn.

Dù viết văn bằng tiếng Anh, ý tưởng văn chương đầu tiên của ông trong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cảnh đồi nhợt nhạt” (1982) lại xuất phát từ thành phố quê hương Nagasaki. Cuốn tiểu thuyết là tự sự của một góa phụ Nhật Bản sống trên đất Anh kể về sự tàn phá và công cuộc khôi phục Nagasaki. Đến cuốn tiểu thuyết tiếp theo “Người nghệ sĩ của thế giới vô định” (1986) viết về những ám ảnh của nghệ sĩ Masuji Ono về quá khứ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai của mình. Viết về Nhật Bản, Kazuo Ishiguro không chỉ khám phá sự giao thoa, xung đột giữa phương Đông và phương Tây nói riêng, Nhật Bản với bên ngoài nói chung mà ông còn tự tìm câu hỏi về bản sắc cá nhân của một người Anh gốc Nhật Bản.

Trong văn chương không hiếm những cây bút trọn đời viết về một vùng đất, đặt bối cảnh câu chuyện về một vùng đất để đi đến tận cùng các vấn đề của nhân loại như Yoknapatawpha của William Faulkner (Nobel Văn học 1949), làng Cao Mật của Mạc Ngôn (Nobel Văn học 2012)... Kazuo Ishiguro không lựa chọn Nhật Bản để tiếp tục làm bối cảnh cho câu chuyện bởi ông muốn tính đa dạng trong tác phẩm của mình đến với nhiều người đọc hơn. Đồng thời, ông muốn hướng đến những câu hỏi mang tính phổ quát về con người như trong một lần phỏng vấn, ông đã tâm sự: “Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội. Vì như thường thấy, nếu không phải là một tính cách nổi trội đặc biệt, thì con người thường đi theo bầy đàn một cách vô thức”.

Tiểu thuyết thành công gây tiếng vang cho ông khi đi theo hướng trên là “Mãi đừng xa tôi” (2005), được Tạp chí Times bình chọn vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất trong giai đoạn 1923-2005. Kazuo Ishiguro đã thể hiện tất cả những điểm mạnh của mình trong cuốn tiểu thuyết này: Ngôn ngữ hoàn hảo không thể tách rời nội dung, cốt truyện độc đáo đầy tính tiên tri, khả năng phân tích tâm lý sắc lạnh thấu tận tâm can... Cuốn tiểu thuyết giả tưởng lấy bối cảnh những năm 90 của thế kỷ trước với ba nhân vật Kathy, Ruth và Tommy-những người được nhân bản vô tính, được nuôi dưỡng để khi lớn lên phải hoàn thành nhiệm vụ hiến tạng chữa bệnh hiểm nghèo và sau đó sẽ chết. Rất nhiều vấn đề về xã hội, con người được mổ xẻ, được Kazuo Ishiguro tiên tri, nhất là vấn đề: Nhân tính con người sẽ thế nào trong thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi? Lịch sử đã chứng minh, không hẳn khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống no đủ thì con người sẽ sống văn minh và nhân đạo hơn. Kazuo Ishiguro như muốn nhắn nhủ về sự bức thiết của việc duy trì những nền tảng đạo đức, những giới hạn cho nhân tính sẽ giúp con người cân bằng tâm lý hơn trong tương lai.

Một chủ đề khác ấn tượng trong các tác phẩm của Kazuo Ishiguro là vấn đề ký ức, nổi bật là cuốn “Tàn dư của ngày”. Làm nhiệm vụ của một người "tái cấu trúc" ký ức thông qua biến chuyển tinh vi trong tâm lý nhân vật. Thông qua dòng hồi ức của Stevens, một quản gia người Anh, đời sống xã hội hiện lên sống động, những phút rung động tình cảm riêng tư trỗi dậy và những dự cảm tương lai bất ổn của những ngày còn lại. Tất cả được đan cài khéo léo trong ngòi bút điêu luyện, phi thể loại của Kazuo Ishiguro.

Năm nay đã 63 tuổi, Kazuo Ishiguro tin rằng khả năng viết tiểu thuyết của mình dường như đã vơi cạn. Ông quay lại với niềm đam mê âm nhạc thời thanh niên, tất nhiên là thông qua phương tiện văn chương ông viết ra những câu chuyện nhẹ nhàng, không cốt truyện, tập trung vào số phận con người bị đặt ra bên ngoài rìa xã hội. Với ông, những tác phẩm đó có thể không được những nhà phê bình hàn lâm đánh giá cao nhưng sẽ giúp ông kết nối với độc giả, để họ vẫn có thể chiêm nghiệm về đời sống dù ở bất cứ đâu./.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/kazuo-ishiguro-bac-thay-phan-tich-nhan-tinh-520516