Karaoke và sự vô lương

Thỉnh thoảng về thăm quê, tôi và bạn cũ lại làm một chiếu nhạc ngoài rẫy, dưới tán xoài, vừa hát vừa ôn lại những câu chuyện thời "trẻ trâu".

Khi men rượu đã lâng lâng, đứa nào đó sẽ ôm guitar và dạo một câu, thế là hát, thỉnh thoảng sai lời nhưng mà vui. Ở thành phố, không có một gốc xoài giữa rẫy như thế, tôi cũng đi karaoke khi tụ họp với bạn bè. Tôi nghĩ, đấy là những sinh hoạt bình thường và lành mạnh.

Công ty bạn tôi, một công ty tư nhân, mỗi khi có tiệc vui thường rủ nhau đến mấy điểm karaoke để hát. Ở đó, từ sếp đến nhân viên hòa đồng, thân thiện và vui vẻ. Karaoke chẳng có lỗi gì.

Thế nhưng bây giờ, ở nhiều nơi, loại hình giải trí này ngày càng bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích thiếu lành mạnh. Khởi đầu là những quán karaoke có tiếp viên nữ mà nhiều người gọi là “tay vịn”, kéo theo nó là những sa đà bản năng. Những phòng hát ở nhiều nơi được thuê để chơi hàng đá, thuốc lắc, hút bồ đà. Nhiều người vào đấy để tìm một không gian kín đáo cho những sinh hoạt thiếu chuẩn mực. Khi sự biến tướng trở nên tràn lan, người ta đã đánh đồng karaoke là tệ nạn.

Karaoke không có lỗi và nhiều người vẫn muốn có những phòng hát đàng hoàng để có thể chung vui với bạn bè. Ở TP HCM có một chuỗi karaoke của một doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa, kinh doanh đàng hoàng. Hệ thống này đông khách tới nỗi mỗi khi đến hát mà không đặt trước, chúng tôi thường bị từ chối vì hết phòng.

Trong vụ cháy lớn ở Hà Nội khiến 13 người tử nạn, có 12 học viên của một lớp học, rủ nhau liên hoan và đi hát sau khi kết thúc một kỳ thi. Giữa những dòng thông tin xót xa mất mát, giữa những bài báo đặt vấn đề về sự an toàn cháy nổ ở những cơ sở kinh doanh này, thì nổi lên một trào lưu chỉ trích cay nghiệt đối với các nạn nhân. Có người chỉ trích họ có lối sống hưởng thụ không lành mạnh, có người thậm chí hả hê trước tai họa, cho rằng đó là cái giá của những cán bộ thích tiệc tùng. Những lời ấy chắc không làm cuộc sống này tốt đẹp hơn mà chỉ thể hiện cách nhìn cuộc sống đầy thành kiến, quy chụp và phán xét.

Cách nhìn trên một phần xuất phát từ sự thiếu kỹ năng phân tích, tách bạch các vấn đề riêng rẽ trong một sự kiện. Thay vì nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân vì sao các nhà hàng karaoke thường xuyên cháy, kỹ năng thoát hiểm trong phòng kín, nhiều người ngay lập tức quy chụp rằng, cứ hát karaoke là sai trái.

Khi thiếu tư duy độc lập, người ta dễ dàng đưa ra những nhận xét hồ đồ, gây tổn thương đến người đã mất - những người thiệt mạng chỉ bởi tai họa không may. Đánh đồng sự bất mãn để nhạo báng những nạn nhân là sự vô cảm độc ác

Hà Nội vừa quyết định dừng cấp phép karaoke trên toàn thành phố. Tôi cho đây là một phản ứng tích cực, muộn còn hơn không. "Tích cực" vì nhà chức trách "dừng cấp phép" chứ không phải "cấm karaoke". Dừng để rà soát và siết chặt các quy định kinh doanh, loại bỏ những hành vi biến tướng, trả karaoke về với bản chất của nó - một loại hình sinh hoạt cộng đồng bình thường và lành mạnh.

Cuộc sống có nhiều điều được ngụy trang và biến tướng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quy chụp méo mó. Khi bạn không có cái nhìn đủ rộng, tâm hồn không đủ sự vị tha thì ít nhất cũng đừng nhân rộng sự vô lương ngay cả với người đã khuất.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/karaoke-va-su-vo-luong-89991/