ITU cam kết phát triển các tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo bao trùm, an toàn và có trách nhiệm vì phát triển bền vững

Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đưa ra những đề xuất cụ thể về giải pháp, AI phải đặt giá trị con người lên hàng đầu, AI phải không phân biệt đối xử, sử dụng dữ liệu phù hợp với con người chứ không chống lại con người. Đây không chỉ là giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc mà còn là giá trị phổ quát và nhân văn. Phải làm cho AI thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và bình đẳng kỹ thuật số.

Ngày 6-7/7, tại Geneva đã diễn ra Hội nghị cấp cao toàn cầu về Trí tuệ nhân tạo (AI) cho những điều tốt đẹp (AI for Good), do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức, với sự tham dự của đông đảo đại diện các Chính phủ, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, nhà khoa học, nhà đổi mới công nghệ, tổ chức xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc.

Qua Hội nghị, ITU đã kết nối các bên thảo luận tìm giải pháp ứng dụng thực tiễn Trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ). Nhận thức được tính cấp bách do sự xuất hiện của AI và những thách thức do AI đặt ra, các đại biểu tham dự cũng thảo luận về sự cần thiết các biện pháp bảo vệ và khung khổ quản trị AI toàn cầu.

Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin phát biểu tại Hội nghị toàn cầu AI vì những điều tốt đẹp, Geneva ngày 6/7/2023. (Nguồn: ITU)

Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin phát biểu tại Hội nghị toàn cầu AI vì những điều tốt đẹp, Geneva ngày 6/7/2023. (Nguồn: ITU)

Ngày 6/7, phát biểu dẫn đề tại Hội nghị cấp cao toàn cầu AI vì những điều tốt đẹp, do ITU tổ chức, Tổng thư ký ITU Bà Doreen Bogdan-Martin đề cập đến phát biểu của Tổng thư ký LHQ António Guterres rằng trách nhiệm chung của chúng ta là phải đảm bảo AI phát huy hết tiềm năng của nó đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại.

Tổng thư ký ITU kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để phát triển Trí tuệ nhân tạo bao trùm, an toàn và có trách nhiệm, tạo ra đột phá trong chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác, và thực hiện bình đẳng kỹ thuật số.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào sử dụng AI nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Gần tám năm sau khi Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững được thông qua, các SDG của LHQ đã đi chệch hướng. Đói nghèo ngày càng gia tăng. Và ba cuộc khủng hoảng trên trái đất về biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học đã đẩy loài người đến bờ vực.

Sử dụng AI toàn cầu để giúp đưa Chương trình nghị sự 2030 trở lại đúng hướng không còn chỉ là một cơ hội, mà đó là trách nhiệm cấp bách của chúng ta.

Phong trào toàn cầu về AI

Hội nghị cấp cao toàn cầu về AI cho những điều tốt đẹp được tổ chức lần đầu tiên năm 2017 là bàn đạp cho những gì đã trở thành một phong trào toàn cầu, với cộng đồng 20.000 người trên Mạng lưới AI cho những điều tốt đẹp – và phong trào này ngày càng phát triển.

AI vì những điều tốt đẹp nói về các tiêu chuẩn, các thách thức về học bằng máy (machine learning), các cuộc đua khởi nghiệp, v.v. Đó là nỗ lực tập thể nhằm mở rộng quy mô AI có ích trên toàn cầu, cả trong và ngoài Liên hợp quốc.

Các cơ quan của LHQ - với hơn 40 Cơ quan - đã biến AI vì những điều tốt đẹp trở thành nền tảng chính của LHQ về AI, công bố báo cáo về hơn 280 dự án khai thác AI để giảm thiểu biến đổi khí hậu, chuyển đổi giáo dục, chống đói, xóa nghèo và giải quyết tất cả các vấn đề cấp bách khác trong SDGs.

Một số hình ảnh về các cuộc thảo luận và giới thiệu hàng chục loại robots được giới thiệu tại Hội nghị toàn cầu AI vì những điều tốt đẹp, Geneva 6-7/7/2023. (Nguồn: ITU)

Một số hình ảnh về các cuộc thảo luận và giới thiệu hàng chục loại robots được giới thiệu tại Hội nghị toàn cầu AI vì những điều tốt đẹp, Geneva 6-7/7/2023. (Nguồn: ITU)

Kịch bản trong tương lai

Tổng thư ký ITU chỉ ra, kỷ nguyên của AI mới chỉ mới bắt đầu và tương lai của nó vẫn chưa được xác định, chúng ta phải đối mặt với ba kịch bản có thể xảy ra.

Trong kịch bản thứ nhất, AI thực hiện đúng lời hứa của nó, nhưng thế giới chứng kiến tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và suy thoái môi trường giảm rõ rệt. Cộng đồng toàn cầu, đang làm điều đúng đắn bằng cách ban hành các khuôn khổ quản trị toàn cầu cho phép đổi mới phát triển đồng thời giải quyết tất cả các cân nhắc về đạo đức, an toàn và trách nhiệm giải trình.

Trong kịch bản thứ hai, chúng ta không khai thác được tiềm năng của AI để phát triển bền vững. Không có quy định tại chỗ, những tiến bộ AI không được kiểm soát dẫn đến bất ổn xã hội, bất ổn địa chính trị và chênh lệch kinh tế trên quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.

Trong kịch bản thứ ba, AI có thể tạo ra những bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác. Nhưng các quốc gia giàu có hơn là những người đang gặt hái những lợi ích.

Tổng thư ký ITU nêu rõ, trong bối cảnh nhiều câu hỏi về AI vẫn chưa có câu trả lời, mọi người cần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về loại quy định và biện pháp bảo vệ mà chúng ta cần đưa ra hiện nay để phát triển và triển khai AI một cách toàn diện, an toàn và có trách nhiệm.

Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đưa ra những đề xuất cụ thể về giải pháp, AI phải đặt giá trị con người lên hàng đầu, AI phải không phân biệt đối xử. Cần phải giải quyết tất cả các quan ngại, đồng thời phát triển các hệ thống dựa trên quyền và đạo đức để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

AI phải sử dụng dữ liệu phù hợp với con người chứ không chống lại con người. Đây không chỉ là giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc mà còn là giá trị phổ quát và nhân văn. Phải làm cho AI thúc đẩy thực hiện SDGs và bình đẳng kỹ thuật số.

Triển vọng hành động

Một loạt các ý tưởng liên quan đến tương lai của AI đã được trình bày tại Hội nghị này, bao gồm thiết lập sổ đăng ký các ứng dụng AI mới hoặc dự kiến, một đài quan sát toàn cầu về AI và định chế mới, cũng như các đề xuất trao quyền cho các tổ chức hiện tại có thể đã có chuyên môn và cơ cấu để giải quyết các thách thức do AI đặt ra. Điều quan trọng là phải phân tích những gì khả thi, những gì đã có và những gì có thể được thực hiện để tạo ra một lộ trình cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Nhóm của Liên hợp quốc về AI do ITU và UNESCO đứng đầu, trên cơ sở tận dụng kiến thức chuyên môn của mình, đang chuẩn bị sẵn sàng để giúp thúc đẩy những nỗ lực này.

Kết thúc Hội nghị cấp cao toàn cầu AI cho những điều tốt đẹp ngày 7/7/2023, ITU cam kết phát triển các tiêu chuẩn AI và xây dựng năng lực, hỗ trợ phát triển và triển khai AI có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan.

Cần cho thế giới thấy một AI bao trùm, an toàn và có trách nhiệm có thể làm gì cho nhân loại. Cùng với các đối tác Liên hợp quốc, ITU sẽ làm việc để tích hợp hỗ trợ năng lực AI vào các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số và để tập trung ứng dụng AI vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, di động thông minh và thành phố thông minh cũng như nâng cao sức khỏe toàn cầu.

ITU khẳng định, các công tác về AI tại ITU, hệ thống Liên hợp quốc và toàn xã hội nên phát triển mạnh mẽ hơn. ITU tập trung vào việc đảm bảo rằng 2,7 tỷ người hiện không được kết nối Internet trên toàn thế giới sẽ được kết nối với các công nghệ kỹ thuật số và đồng thời cam kết đảm bảo rằng AI phục vụ tất cả mọi người, ở mọi nơi vì lợi ích lớn hơn.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/itu-cam-ket-phat-trien-cac-tieu-chuan-tri-tue-nhan-tao-bao-trum-an-toan-va-co-trach-nhiem-vi-phat-trien-ben-vung-234035.html