Italia kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo trẻ

Một người là Thủ tướng Chính phủ đảm đương công việc khó khăn là đưa Italia ra khỏi tình trạng khủng hoảng nợ nần; người kia là lãnh đạo đang lên, vừa mới lên nắm quyền lãnh đạo đảng lớn nhất Italia. Cả hai đều có tuổi đời khá trẻ, và đều là niềm hy vọng để đưa đất nước Italia đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngày 8/12, chính khách trẻ tuổi Matteo Renzi, Thị trưởng thành phố Florence, đã được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Italia, đảng trung tả lớn nhất Italia. Renzi năm nay 38 tuổi, hầu như rất ít được báo chí nhắc tới cho đến trước ngày 8/12, vì thế việc ông được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ được nhiều người đón nhận với thái độ ngạc nhiên. Nhưng nhìn vào kết quả bầu chọn mới thấy Renzi nhận được tỉ lệ phiếu rất cao, đến 70% trong 2,9 triệu cử tri theo đảng Dân chủ.

Và kết quả này được giới phân tích đánh giá là phản ánh một sứ mệnh được trao cho Renzi: phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Italia.

Động lực thôi thúc sự đòi hỏi cải cách đó có lẽ phát xuất từ tình hình khó khăn về mọi mặt của đất nước Italia trong hiện tại. Italia từng được xếp vào nhóm quốc gia giàu có nhất châu Âu. Thế nhưng giờ đây, nước này lại là một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất châu lục, với nền kinh tế liên tục trì trệ và suy thoái, tăng trưởng âm, nhưng thất nghiệp lại tăng cao, hậu quả của nhiều năm tình trạng thất nghiệp không được quan tâm giải quyết do sự vô trách nhiệm của hệ thống chính trị cũ chậm chạp và quan liêu.

Giới phân tích đánh giá đó là hệ quả nặng nề nhất của gần 20 năm dưới thời Silvio Berlusconi lãnh đạo, cũng là quãng thời gian Italia dẫm chân tại chỗ, không hề có bất cứ sự cải cách nào.

Tình trạng đó tất yếu tạo nên sự phẫn nộ, phản kháng và xa lánh của công chúng Italia. Đó là điều kiện thuận lợi để cho đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo bất ngờ từ chỗ vô danh vươn lên trở thành một trong những đảng chính trị mạnh nhất Italia, giành tới 25% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 2/2013.

So với Beppe Grillo, Renzi có phần khác biệt. Xuất thân từ đảng Dân chủ nhưng Renzi không thuộc phái các bô lão bảo thủ trong đảng. Renzi đã tuyên bố sẽ thay đổi Italia, nhưng bằng cách tiến hành từ bên trong: cải cách bên trong đảng Dân chủ trước, rồi đến phạm vi quốc gia. Renzi đã nói đến việc sẽ tấn công vào thành trì các bô lão bảo thủ, đặc biệt là các lãnh đạo nghiệp đoàn; cải cách giáo dục và hệ thống y tế.

Một vấn đề mà giới quan sát đặt ra là Renzi sẽ làm cách nào để thúc đẩy nhanh chóng các công việc cải cách trong đảng Dân chủ mà ông đã nêu trên. Renzi có thể tìm cách tạo nên một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn để rút ngắn thời gian thực hiện các cải cách mà mình dự tính.

Đương kim Thủ tướng Italia Enrico Letta và tân lãnh đạo đảng Dân chủ Matteo Renzi.

Nhưng tất cả những toan tính, tham vọng của Renzi có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian. Vì một người trẻ tuổi khác trong đảng Dân chủ hiện cũng đang nhận được sự ủng hộ cao trong chính giới lẫn trong công chúng: Đó là đương kim Thủ tướng Enrico Letta.

Letta năm nay 47 tuổi, là vị thủ tướng trẻ nhất Italia trong vài thập niên trở lại đây. Chính phủ do ông lãnh đạo bao gồm một "đại liên minh" các đảng chính trị trung tả và trung hữu đối nghịch nhau. Ông được giới bình luận ví như một "hậu duệ" của Tổng thống Giorgio Napolitano sau khi được Tổng thống bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bầu cử tháng 2/2013 do thái độ và quan điểm trung tả, tinh thần cải cách của ông.

Letta theo quan điểm chống châu Âu, cải cách kinh tế nhưng không áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắt khe, tích cực đầu tư để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp vốn là căn bệnh trầm kha của Italia. Lên lãnh đạo đất nước trong khi tình hình khủng hoảng nợ công vẫn còn ngập chìm trong khủng hoảng, Letta hiểu được thách thức rất lớn luôn hiện diện trước mặt.

Đó là một phần lý do cho những khó khăn liên tục ập đến với Chính phủ do ông lãnh đạo. Ngày 11/12, Thủ tướng Letta đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại 2 viện Quốc hội, tiếp tục vai trò người lèo lái con thuyền Italia vượt qua giông bão nợ nần. Đây là lần thứ 3 trong vài tháng kể từ sau cuộc bầu cử tháng 2/2013, Chính phủ do Letta lãnh đạo phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. \

Có nhiều nguyên nhân khiến Chính phủ Letta phải rơi vào tình trạng này, trong đó có vấn đề khó khăn kinh tế tiếp tục chưa có nhiều cải thiện và cả chiêu trò của cựu Thủ tướng đang bị truy tố Berlusconi. (Vào cuối tháng 11/2013, ông Berlusconi đã bị trục xuất ra khỏi Quốc hội Italia.)

Cả Letta và Renzi đều là những người có quan điểm ôn hòa, và giới phân tích cho rằng mối quan hệ của họ có thể có lợi nhưng cũng có thể làm tan vỡ đảng Dân chủ. Mối quan hệ đầy tiềm năng lẫn thách thức này có thể so sánh với quan hệ "vừa hợp tác vừa xung đột" giữa 2 cựu Thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown của nước Anh, cả hai đều thuộc Công đảng. Chắc chắn, Renzi không chấp nhận chia sẻ quyền lực lãnh đạo một khi có cơ hội lên nắm quyền, vì ông tin rằng sẽ không thể thực hiện được các cải cách theo dự tính của mình với một Chính phủ "đại liên minh" như hiện nay.

Sự vươn lên của Renzi, của Letta, và trong chừng mực nào đó là cuộc "đảo chính" giành quyền lãnh đạo của Angelino Alfano (43 tuổi) trong đảng trung hữu của ông Brelusconi, cho thấy một thế hệ chính khách lãnh đạo mới đang định hình trên chính trường Italia, mang đến một thông điệp lạc quan cho đất nước này

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hautruong/2013/12/82251.cand