Israel mua vũ khí từ đâu?

Israel được coi là một trong những cường quốc quân sự ở khu vực Trung Đông với phần lớn nguồn cung vũ khí đến từ Mỹ.

Việc Israel và Hamas đạt được sự đồng thuận gia hạn thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin đã đặt ra câu hỏi mới đối với yêu cầu viện trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Liệu khoản viện trợ lên tới 14,3 tỷ USD có còn phù hợp vào thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua và Israel sẽ nhận được bao nhiêu vũ khí từ Mỹ trong cuộc xung đột này?

Spunik mới đây đã thu thập thông tin về năng lực của tổ hợp công nghiệp - quân sự Israel. Nước này là cường quốc lớn trong lĩnh vực phát triển và sản xuất vũ khí ở khu vực Trung Đông.

Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel. (Ảnh: CNN)

Ngành quốc phòng Israel có khả năng sản xuất nhiều loại vũ khí, từ các loại thiết bị nhỏ, thiết bị vô tuyến, máy bay không người lái và vũ khí điều khiển từ xa, đến xe tăng chiến đấu chủ lực, hệ thống phòng không và tên lửa. Israel thậm chí có sở hữu cả tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Israel cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn với các đơn hàng vũ khí trị giá hơn 12,5 tỷ USD cho nhiều khách hàng nước ngoài vào năm 2022, bao gồm Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Mỹ.

Nhưng không giống như những gã khổng lồ quốc phòng lâu đời như Nga và Mỹ, năng lực phát triển và sản xuất tất cả vũ khí quân sự của Israel không được thực hiện một cách độc lập. Do đó, Tel Aviv đã dựa vào mối quan hệ thân thiết với Washington trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí.

Ai bán vũ khí cho Israel?

Với mối quan hệ đồng minh thân thiết, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia đứng đầu danh sách các nước bán vũ khí cho Israel. Trong đó, 92% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel giai đoạn 2017-2021 đến từ Mỹ. Đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia bán vũ khí cho Israel là Đức, với 6,9% và Italy với 1%. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2017 đến năm 2021, lượng vũ khí nhập khẩu của Israel chủ yếu đến từ 3 quốc gia này.

Trong khung thời gian dài hơn, từ năm 2011- 2020, SIPRI cho biết Mỹ cung cấp 70,2% vũ khí cho Israel. Tiếp đó là Đức, Italia và Canada với tỷ lệ lần lượt là khoảng 23,9%, 5,9% và 0,05%.

Theo nghiên cứu của Chiến dịch chống buôn bán vũ khí (CAAT), các hợp đồng nhỏ hơn, bao gồm phụ tùng thay thế và hệ thống vũ khí hạng nhẹ, phần lớn cũng do các nhà sản xuất Mỹ cung cấp cho Israel. Trong đó, hai bên đã ký các hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 8,7 tỷ USD trong thời gian từ 2015 đến năm 2019. Tại cùng thời điểm, Đức, Anh và Italy cũng đã cấp phép cho hoạt động buôn bán vũ khí trị giá lần lượt là 944 triệu USD, 474,5 triệu USD và 374,5 triệu USD với Tel Aviv.

Israel nhận được gì?

Israel phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ để đảm bảo năng lực Không quân Israel (IAF), bao gồm các phi đội F-35I Adir mới. Dự kiến, Tel Aviv sẽ sở hữu khoảng 75 máy bay phản lực thế hệ thứ năm này.

Israel vốn đã phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu của IAF trong hơn 50 năm qua, bao gồm nhu cầu mua mới và sửa chữa hàng trăm chiếc Boeing F-15 Eagles và F-15E Strike Eagles cũng như General Dynamics F-16 Fighting Falcons. Máy bay Mỹ là lực lượng chính trong các phi đội máy bay tiện ích, tình báo điện tử, vận tải và tiếp nhiên liệu trên không của Israel. Đồng thời, máy bay Mỹ cũng “thống trị” trong các kho trực thăng dự trữ của quốc gia Trung Đông này, với hàng loạt dòng máy bay từ Bell AH-1 Cobra, Boeing AH-64 Apache, Sikorsky CH-53 tới máy chiến đấu và S-70 và trực thăng vận tải.

Tiêm kích F-35I Adir do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất riêng cho Israel. (Ảnh: Galaxy Militar)

Công ty đóng tàu Ingalls ở Pascagoula, Mississippi (Mỹ) - công ty con của Northrup Grumman, đóng cho Israel hạm đội tàu hộ tống hải quân lớp Sa'ar 5. Trong khi đó, nhà thầu quân sự Mỹ từ Raytheon hỗ trợ Israel xây dựng hệ thống phòng không nổi tiếng Iron Dome (Vòm sắt).

Những loại vũ khí khác quan trọng và ít tốn kém hơn cũng được sản xuất tại Mỹ và giao cho Israel. Chúng bao gồm các đơn hàng súng tiểu liên, súng trường bắn tỉa, súng máy đa năng M60 và súng máy hạng nặng Browning M2, hệ thống tên lửa di động M72 LAW 66 mm, súng phóng lựu M203, Mk 19 và Mk 47 cùng tên lửa chống tăng TOW.

Về phương tiện quân sự, Mỹ đã bán cho Israel các xe tải M113 APC, Humvees, M35 và HEMTT, máy ủi, và máy xúc Caterpillar. Israel sử dụng những phương tiện này san bằng các tòa nhà nghi là của Hamas.

Các thiết bị bổ sung khác bao gồm xe thu hồi M88, pháo tự hành M109 155 mm tùy chỉnh, hệ thống tên lửa phóng loạt và hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot cũng được Mỹ gửi cho Israel.

Trong khi đó, danh sách vũ khí được các quốc gia khác ngoài Mỹ bán cho Israel khiêm tốn hơn nhiều. Danh sách này chủ yếu bao gồm các loại vũ khí như súng ngắn Heckler & Koch P11 do Đức sản xuất, súng ngắn Beretta M1951 do Italy sản xuất, hệ thống FN MAG của Bỉ, súng trường bắn tỉa Mauser 86SR của Đức, xe tiện ích MDT David tùy chỉnh của Anh và xe tải hạng nặng Unimog 437 của Đức.

Về không quân, Israel sử dụng các máy bay huấn luyện G-120 do Đức sản xuất và Aermacchi M-346 Master của Italy, cùng một số trực thăng tuần tra hàng hải Eurocopter Panther do Pháp sản xuất.

Về hàng hải, cùng với các tàu hộ tống lớp Sa'ar 5 do Mỹ chế tạo, Israel đã nhận được 4 tàu hộ tống phóng tên lửa Sa'ar 6, tàu ngầm diesel-điện Dolphin 1 và Dolphin 2, đều của Đức.

Sự hào phóng của Mỹ

Theo Sputnik, phần lớn hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Israel được miễn phí. Từ năm 1948 đến năm 2023, Mỹ cung cấp cho Israel hơn 260 tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế, cộng thêm ít nhất 10 tỷ USD nữa để cùng phát triển các loại vũ khí như Iron Dome.

Ngoài ra, Mỹ đã dành hơn 3 tỷ USD viện trợ cho Israel mỗi năm kể từ năm 2004. Trong đó, vào năm 2022, số tiền viện trợ của Washington cho quốc gia đồng minh Trung Đông này lên tới khoảng 3,2 tỷ USD.

Trong cuộc khủng hoảng Gaza gần đây, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 14,3 tỷ USD. Nếu được thông qua sẽ là khoản tài trợ lớn nhất của Mỹ dành cho Israel từ năm 1979 tới nay.

Một đơn vị pháo binh của Israel. (Ảnh: Reuters)

Hơn 99% viện trợ của Mỹ cho Israel là về mặt quân sự. Đây được coi là khoản chi tiêu hiệu quả, đôi bên cùng có lợi cho Chính phủ Israel. Nhờ các khoản viện trợ này, Israel sẽ chỉ cần chi ít tiền hơn vào việc mua vũ khí từ nước ngoài và dành ngân sách cho các ưu tiên khác, như chăm sóc sức khỏe, và chi cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ theo các đơn đặt hàng ổn định.

Kông Anh (Nguồn: Sputnik)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/israel-mua-vu-khi-tu-dau-ar837437.html