Intel sắp khánh thành nhà máy 1 tỷ USD ở Việt Nam

Tập đoàn Intel của Mỹ sẽ đưa vào hoạt động nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip với quy mô 1 tỷ USD ở Việt Nam vào cuối tháng này, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức điều hành tập đoàn cho biết.

Ngoài ra, Intel cũng khánh thành một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn trị giá 2,5 tỷ USD tại Đại Liên, Trung Quốc. Mục đích của việc đầu tư nhà máy ở Việt Nam và Trung Quốc là nhằm giúp hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ở những quốc gia châu Á mới nổi. "Chúng tôi dự tính, trong vài năm tới, thị trường máy tính cá nhân của châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Chúng tôi nhất định đầu tư tiếp vào châu Á, nơi mà chúng tôi nhận thấy đang tăng trưởng", Navin Shenoy, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Intel, cho biết. Việc chính thức đưa vào hoạt động hai nhà máy mới diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng cung tăng khiến giá cả giảm sút. Nhu cầu máy tính cá nhân toàn cầu trong quý 3 cũng thấp hơn dự đoán, do áp lực từ nhu cầu tiêu dùng. Hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu tăng 11% trong quý 3, nhưng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tập đoàn Intel vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành này. Ông Shenoy cho rằng, mặc dù công ty nhận thấy nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu còn yếu kém, nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Á vẫn tiếp tục mua máy tính. "Châu Á có dân số trẻ và tỷ lệ phổ cập máy tính ở mức thấp. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia, là những thị trường quan trọng", Shenoy cho hay. Intel đã công bố kế hoạch đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam từ năm 2006 và khởi công xây dựng trong năm 2007. Hãng cho biết, nhà máy này sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Nhà máy tại Việt Nam là cơ sở lắp ráp và kiểm định chip thứ 7 của Intel. Các nhà máy khác của tập đoàn này được đặt ở Penang và Kulim (Malaysia); Cavite (Philippines); Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc); và San Jose (Costa Rica). Ngoài nhà máy tại Việt Nam, cuối tháng này, Intel cũng sẽ mở cửa một cơ sở khác ở Đại Liên (Trung Quốc) trị giá 2,5 tỷ USD. Nhà máy này sẽ sản xuất con chip bằng loại đế 300 mm thế hệ mới. Các nhà máy sản xuất chip sử dụng loại đế này có thể cắt giảm chi phí khoảng 30% so với những nhà máy sử dụng loại đế thế hệ cũ 200 mm. Nhà máy tại Đại Liên sẽ sản xuất các nhóm mạch tích hợp sử dụng cho CPU của máy tính xách tay và máy tính để bàn. Dự kiến, số nhân công của nhà máy là 1.500 người khi chạy đủ công suất. Ngoài máy tính cá nhân, theo ông Shenoy, Intel còn nhìn thấy những cơ hội từ thị trường điện tử tiêu dùng, bao gồm tivi kết nối Internet và điện thoại di động thông minh. Doanh số thị trường tivi kết nối Internet sẽ tăng 217% lên mức 430 triệu chiếc vào năm 2014, từ mức khoảng 135 triệu chiếc trong năm nay, hãng nghiên cứu iSuppli cho biết hồi tháng trước. Hôm 13/10, Intel công bố lợi nhuận quý 3 tăng 59%, lên 2,96 tỷ USD, nhờ khối doanh nghiệp tăng chi tiêu cho ứng dụng công nghệ, giúp giảm bớt gánh nặng từ nhu cầu máy tính cá nhân giảm sút. * Hôm 28/2/2006, tập đoàn Intel đã được trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip bán dẫn (Assembly and Test Manufacturing - ATM) tại Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP). Quy trình Assembly/Test (A/T) là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel được phân phối tới tay người tiêu dùng. Đây là khâu cần đến công nghệ cao của toàn bộ quá trình sản xuất linh kiện phía trong của Intel. Quy trình A/T gồm 3 giai đoạn: đóng gói, kiểm tra và giao hàng. Khâu cuối cùng của quá trình sản xuất trước khi tung sản phẩm ra thị trường này là quy trình mang tính sống còn đối với sự thành công trong chiến lược nền tảng của Intel.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20101015090630344p0c16/intel-sap-khanh-thanh-nha-may-1-ty-usd-o-viet-nam.htm