Indonesia tiến thêm một bước trong tiến trình gia nhập OECD

Ngày 22-2, The Jakarta Post đưa tin Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã quyết định thiết lập các cuộc đàm phán về việc gia nhập OECD của Indonesia. Nếu được chấp nhận, Indonesia sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập tổ chức này.

Indonesia trở thành đối tác quan trọng của OECD kể từ năm 2007 và giúp tổ chức này khởi động Chương trình Đông Nam Á vào năm 2014. Vào tháng 7-2023, Indonesia chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của OECD. Quyết định thiết lập các cuộc đàm phán về việc gia nhập OECD của Indonesia là sự tiếp nối quá trình hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Indonesia và tổ chức này.

">

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã quyết định thiết lập các cuộc đàm phán về việc gia nhập tổ chức của Indonesia (ảnh minh họa). Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh, đây là quyết định mang tính lịch sử khi đánh dấu đơn đăng ký đầu tiên đến từ khu vực Đông Nam Á-khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới.

Ông Cormann nhấn mạnh, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng trên toàn cầu và là đối tác có vai trò đặc biệt trong và ngoài khu vực. Quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập sẽ mang lại lợi ích cho cả Indonesia và OECD. Thông qua các cuộc đàm phán, OECD hy vọng sẽ có thể hỗ trợ Indonesia tiếp tục các nỗ lực cải cách để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, với thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 30.300USD. Ở hướng ngược lại, Tổng thư ký OECD kỳ vọng sự gia nhập của Indonesia sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng của OECD trên toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhận định quá trình gia nhập OECD sẽ đóng vai trò là chất xúc tác giúp tăng thu nhập bình quân đầu người của Indonesia. Quan trọng hơn, tư cách thành viên OECD và việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn toàn cầu của OECD sẽ có tác động tích cực đến Indonesia, như thúc đẩy đầu tư, kích thích các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vươn lên thành những công ty toàn cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

OECD được biết đến là “câu lạc bộ các nước giàu”, có nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập và phát triển theo nền tảng kinh tế thị trường. Một lợi ích khi trở thành thành viên của tổ chức này là Indonesia sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc và giá trị chung nghiêm ngặt của OECD để bảo đảm các tiêu chuẩn chính sách kinh tế cao. Hợp tác quốc tế và các thỏa thuận thương mại trở nên dễ tiếp cận hơn khi chính sách công của quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất toàn cầu. Trong mắt nhiều nhà đầu tư, tư cách thành viên OECD có thể được ví như “con dấu phê duyệt” đối với Indonesia, giúp nước này trở thành một điểm đến đầu tư tiềm năng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Airlangga, Indonesia cũng kỳ vọng việc gia nhập OECD sẽ giúp nước này thúc đẩy các ưu tiên của chính phủ, bao gồm: Kinh tế xanh, số hóa, phát triển nguồn nhân lực, đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tuy vậy, việc gia nhập OECD cũng có nghĩa Indonesia cần sửa đổi luật pháp cũng như chính sách quốc gia và địa phương để đáp ứng các tiêu chí của OECD. Ví dụ, Indonesia có thể sẽ cần phải đưa ra một chính sách đầu tư và thương mại cởi mở hơn, vì đánh giá chính sách đầu tư của OECD năm 2020 tại Indonesia đã phát hiện ra rằng quốc gia này vẫn còn khá hạn chế đối với đầu tư quốc tế so với các nước trong ASEAN.

Có một số lĩnh vực ưu tiên để OECD ra quyết định chấp nhận thành viên mới như: Cải cách cơ cấu, cơ chế đầu tư và thương mại mở, nỗ lực quản trị công, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

OECD sẽ chuẩn bị dự thảo lộ trình gia nhập cho quá trình xem xét kỹ thuật của Indonesia. Hơn 20 ủy ban kỹ thuật cũng sẽ đánh giá khả năng Indonesia tuân thủ các tiêu chuẩn của OECD. Việc đánh giá sẽ đưa ra các khuyến nghị để Indonesia tiếp tục cải cách phù hợp với các tiêu chuẩn của tổ chức này.

Không có thời hạn cho quá trình gia nhập, mà phụ thuộc vào mức độ Indonesia có thể điều chỉnh theo các tiêu chuẩn của OECD. Nhưng thông thường phải mất 5-8 năm để một quốc gia đạt được tư cách thành viên chính thức. Việc kết nạp thành viên mới cũng cần có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên OECD.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/indonesia-tien-them-mot-buoc-trong-tien-trinh-gia-nhap-oecd-766016

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/645981-indonesia-tien-them-mot-buoc-trong-tien-trinh-gia-nhap-oecd.html