IMF nâng kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu và châu Á

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu và châu Á trong năm nay nhờ kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn dự kiến và nỗ lực kích thích tài khóa ở Trung Quốc. Dù vậy, tổ chức này cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rủi ro liên quan đến xung đột ở Trung Đông và lạm phát.

Mây đen đang dần tan

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, phát hành hôm 30-1, IMF dự báo, GDP toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm nay. Con số này cao hơn mức dự báo 2,9% mà IMF đưa ra hồi tháng 10-2023. Tổ chức này giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,2% trong năm 2025.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn nhằm chống lạm phát cùng với cắt giảm chi tiêu công ở một số nước là những lý do chính khiến tăng trưởng toàn cầu năm qua và thời gian tới chậm lại so với hai thập niên trước đại dịch Covid-19.

IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024. Ảnh: inaa.org

IMF cho rằng, với mức độ nghiêm trọng của cú sốc giá trong đại dịch Covid-19 và đợt tăng lãi suất sau đó thì mọi việc có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Tuy vậy, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu tốt và đang ở giai đoạn cuối cùng cho một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng với lạm phát giảm dần và tăng trưởng ổn định.

“Mây đen đã dần tan nhưng tốc độ mở rộng GDP của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chậm và có thể có biến động phía trước”, Pierre-Olivier Gourinchas, Kinh tế trưởng của IMF nhận xét trong một cuộc họp báo mới đây.

Dự báo của IMF dựa trên giả định giá cả hàng hóa sẽ giảm trong năm nay và năm tới, đồng thời lãi suất sẽ giảm ở các nền kinh tế lớn. Tổ chức này cũng dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giữ nguyên lãi suất trong nửa đầu năm nay trước khi cắt giảm dần khi lạm phát chậm lại.

IMF cũng nhận diện những rủi ro có thể khiến tăng trưởng toàn toàn cầu không đạt được mức dự kiến trong năm 2024. Những rủi ro này bao gồm giá cả hóa tăng đột biến sau các cú sốc địa chính trị và gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Gần đây nhất là các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ, nguy cơ xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông hoặc lạm phát dai dẳng hơn. Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương chịu áp lực duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Lạm phát toàn cầu tiếp tục suy yếu đến năm 2025

IMF cho biết, lạm phát toàn cầu trong quí cuối năm ngoái đã hạ nhiều hơn dự kiến nhờ giá năng lượng giảm. Tổ chức này dự đoán, đà giảm của giá cả tiếp tục kéo dài đến năm 2025 và đưa lạm phát toàn cầu từ 6,8% xuống 4,4%. Các nền kinh tế tiên tiến được dự báo có mức lạm phát giảm nhanh hơn các thị trường mới nổi.

Ông Gourinchas cho biết, chi phí vận tải biển giữa châu Á và châu Âu đã tăng lên rõ rệt khi các cuộc tấn công ở Biển Đỏ buộc các tàu hàng chuyển hướng để đi vòng xuống phía nam châu Phi. IMF đang theo dõi rủi ro leo thang xung đột ở Trung Đông, nơi Israel đang giao tranh với tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Tại thời điểm hiện tại, những tác động từ cuộc xung đột này đối với gián đoạn nguồn cung và cũng như lạm phát tổng thể chưa đáng kể. Thách thức của các ngân hàng trung ương là bình thường hóa chính sách tiền tệ và thực hiện một ‘cuộc hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế. IMF khuyến cáo họ không nên hạ lãi suất sớm cũng như không trì hoãn việc hạ lãi suất quá lâu.

IMF dự báo tăng trưởng thương mại thế giới đạt 3,3% vào năm 2024 và 3,6% vào năm 2025, thấp hơn mức trung bình trong lịch sử là 4,9%. Tổ chức này cũng lặp lại cảnh báo về rủi ro thương mại toàn cầu bị phân mảnh khi các khối địa kinh tế đối đầu nhau. Năm ngoái, các nước trên thế giới áp đặt khoảng 3.000 hạn chế thương mại mới, gần gấp ba lần so với năm 2019.

Triển vọng lạc quan hơn của Mỹ và Trung Quốc

Đối với Mỹ, IMF nâng kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 lên 2,1% so với dự báo trước đó là 1,5%, sau khi chứng kiến mức chi tiêu cao hơn ước tính vào cuối năm ngoái. Dẫu vậy, mức tăng trưởng dự báo này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,5% của Mỹ trong năm 2023. Điều này có thể do lo ngại bởi sự tác động trễ của mức lãi suất cao nhất trong hai thập niên, việc thắt chặt tài khóa và nhu cầu bị kìm hãm do thị trường lao động suy yếu.

IMF nâng kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu và châu Á. Ảnh minh họa: Reuters

IMF giảm dự báo tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong năm 2024 xuống 0,9% từ mức dự báo 1,2% trước đó. Điều này phần lớn là do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, IMF kỳ vọng người tiêu dùng châu Âu sẽ tăng cường chi tiêu khi tác động của giá năng lượng giảm bớt.

Nga dự kiến tăng trưởng 2,6% trong năm nay, gấp đôi so với ước tính 1,1% trước đó. Đây là mức tăng trưởng phản ánh phần nào việc cải thiện chi tiêu quân sự và tiêu dùng tư nhân.

Một thay đổi đáng chú ý là IMF nâng dự báo trưởng của Trung Quốc trong năm nay lên 4,6%, cải thiện so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 10-2023. Điều này là nhờ tác động tích cực từ mức tăng trưởng mạnh hơn vào năm ngoái và chi tiêu chính phủ để phòng chống thiên tai tăng cao. Tổ chức này đánh giá, kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến nếu Bắc Kinh thực hiện thêm các cải cách trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó nhấn mạnh việc tái cơ cấu các nhà phát triển mất khả năng thanh toán hoặc chi tiêu công nhiều hơn dự kiến để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng.

“Nếu không có gói chính sách tái cơ cấu toàn diện cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn đầu tư bất động sản có thể giảm nhiều hơn và trong thời gian lâu hơn dự kiến. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong nước và các đối tác thương mại”, IMF cho biết.

Ngược lại, IMF cũng cảnh báo nguy cơ tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng nếu Bắc Kinh thắt chặt tài khóa ngoài dự định có thể gây tổn hại đến tiêu dùng.

Đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi và đang phát triển, tổ chức này dự báo mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chậm lại so với mức 5,4% trong 2023 nhưng tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra ba tháng trước. Điều này là nhờ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở Trung Quốc.

Khu vực ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan) dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2024, cao hơn mức ước tính 4,5% trước đó.

Theo IMF, Ấn Độ dự kiến nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 6,5% trong năm 2024, tăng so với dự báo 6,3% trước đó.

Trong số các nền kinh tế phát triển, Nhật Bản dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm xuống 0,9% vào năm 2024 so với mức 1,9% của năm ngoái. IMF giải thích, xung lực tăng trưởng của Nhật Bản suy yếu khi nhu cầu tiêu dùng giảm dần sau giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Theo Boomberg, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/imf-nang-ky-vong-tang-truong-toan-cau-va-chau-a/