IMF: Kinh tế thế giới cải thiện nhưng các nước nghèo bị bỏ lại phía sau

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trong năm nay dù triển vọng trong dài hạn kém tươi sáng. Bên cạnh đó, khoảng cách đang ngày càng nới rộng giữa các nước giàu và nước nghèo, vốn thiếu nguồn lực để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Pierre-Olivier Gourinchas (trái), nhà kinh tế trưởng của IMF, phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Mỹ hôm 16-4. Ảnh: Getty

Kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới hôm 16-4, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo tăng 3,1% trong báo cáo hồi tháng 1. Bước sang năm 2025, kinh tế thế giới dự kiến duy trì mức tăng trưởng 3,2%.

Triển vọng kinh tế thế giới cải thiện chủ yếu nhờ vào sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ, vốn đã thách thức dự báo về sự suy thoái ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hơn hai thập niên. IMF dự kiến GDP của Mỹ sẽ tăng 2,7% vào năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 2,1% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 1.

IMF cho biết, sự tăng trưởng vượt trội của Mỹ là nhờ nguồn cung lao động nhập cư tăng lên, cũng như chi tiêu mạnh mẽ của chính phủ.

Theo IMF, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,1% trong năm tới, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 1. Khủng hoảng bất động sản và nhu cầu trong nước suy yếu sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. IMF cảnh báo, việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dư thừa có thể gây ra căng thẳng thương mại với các nước khác. Nền kinh tế Nga và Ấn Độ dự kiến cũng tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo hồi tháng 1.

“Nền kinh tế toàn cầu vẫn khá kiên cường”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo bên lề hội nghị mùa xuân thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington hôm 16-4.

Tuy nhiên, ông lưu ý, điều đáng lo ngại là tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát của các ngân hàng trung ương phần nào bị đình trệ kể từ đầu năm.

“Giá dầu đã tăng gần đây một phần do căng thẳng địa chính trị và lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao. Việc hạn chế thương mại hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng có thể đẩy lạm phát hàng hóa lên cao”, ông viết trong báo cáo của IMF.

Trong vài năm tới, bức tranh toàn cảnh sẽ kém thuận lợi hơn. IMF dự đoán đến năm 2030, nền kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,8% mỗi năm, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình hàng năm trong giai đoạn 2000-2019.

Theo IMF, kinh tế thế giới tăng trưởng trì trệ khi nguồn cung lao động tăng chậm lại một phần là do dân số già hóa ở nhiều nơi trên giới. Trước đây, việc lực lượng lao động trẻ và phụ nữ lần đầu tiên tham gia thị trường việc làm đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế thế giới. Nhưng vào cuối thập niên này, IMF nhận thấy nguồn cung lao động toàn cầu chỉ tăng 0,3% mỗi năm, chưa bằng 1/3 mức tăng trung bình trong 10 năm trước đại dịch Covid-19.

IMF cho biết, một áp lực lớn nữa đối với triển vọng dài hạn của nền kinh tế thế giới là tốc độ hình thành vốn (capital formation) dự kiến chậm lại, do mức nợ tăng cao làm giảm khả năng đầu tư của các chính phủ.

Xung đột địa chính trị và sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối thương mại có chung chí hướng, trong đó khác biệt về quan điểm chính trị quan trọng hơn khoảng cách địa lý, cũng đe dọa sự tiến triển kinh tế toàn cầu, IMF nhận định.

Theo IMF, cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng, dù còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ. Và vẫn có rất nhiều rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là những tác động tiêu cực từ các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Dù vậy, IMF dự báo đến một thời điểm nào đó trong nửa cuối năm nay, các nền kinh tế phát triển sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tổ chức này dự kiến giá cả tiêu dùng toàn cầu tăng 5,9% trong năm nay và 4,5% vào năm tới, nhanh hơn 0,1 điểm phần trăm so với các mức dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Mức tăng trưởng trong năm 2023, 2024 và 2025 của kinh tế toàn cầu (trái), khu vực kinh tế phát triển (giữa), khu vực kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (phải) theo ước tính của IMF. Ảnh: IMF

Các nước nghèo tụt lại phía sau

IMF cảnh báo, đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới vào cuối thập niên này có thể gây những tác động tiêu cực đến xu hướng “hội tụ” kinh tế giữa các nước giàu và nghèo. Đây vốn là đặc điểm đáng khích lệ của nền kinh tế thế giới trong hầu hết hai thập niên qua, khi các nước có thu nhập thấp thường tăng mức sống nhanh hơn các nền kinh tế trưởng thành như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Nhưng kể từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng này đã bị đình trệ. Các nước nghèo nhất đang vật lộn với đà tăng giá mạnh của thực phẩm, phân bón và các hàng hóa quan trọng khác. Họ cũng có ít nguồn lực tài khóa hơn để ứng phó tác động kéo dài của đại dịch, làm trì hoãn quá trình phục hồi của nền kinh tế.

So với xu hướng trước đại dịch, tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp được dự báo sẽ chậm lại nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển. Hậu quả là các nước này sẽ chứng kiến tiến bộ bị trì trệ ở các chỉ số như tuổi thọ, thu nhập và tiêu dùng của người dân.

Dù IMF dự đoán tổn thương kinh tế kéo dài từ đại dịch ít hơn so với mức ước tính vào 6 tháng trước, nhưng tổ chức này cho biết, khoảng 3,3 nghìn tỉ đô la sản lượng kinh tế toàn cầu bị mất mát kể từ năm 2020.

“Nền kinh tế Mỹ đã vượt lên xu hướng trước đại dịch. Nhưng hiện tại, chúng tôi dự báo còn nhiều tổn thương dai dẳng hơn đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Nhiều nước trong số đó vẫn đang chật vật để thoát ra hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch và chi phí sinh hoạt”, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.

IMF cho rằng, tăng tốc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là con đường khả thi hướng tới một tương lai kinh tế tươi sáng hơn. Nhưng vẫn chưa rõ AI có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đến mức nào. IMF ước tính AI có thể tăng tốc độ tăng trưởng năng suất của nền kinh tế thế giới từ 0,1- 0,8 điểm phần trăm mỗi năm trong một thập niên.

Ngoài ra, AI có nguy cơ thay thế con người trong một số công việc nhất định hoặc thay đổi căn bản tính chất của các công việc. Tác động của AI trong khía cạnh này ở các nước có thể khác nhau.

Ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, IMF ước tính 60% việc làm dễ bị tác động bởi AI, so với 40% việc làm ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và 26% ở các nước thu nhập thấp. Tuy nhiên, IMF cảnh báo, khi các nước nghèo ít bị AI tác động hơn thì họ cũng thu được ít lợi ích từ công nghệ này hơn.

Theo WSJ, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/imf-kinh-te-the-gioi-cai-thien-nhung-cac-nuoc-ngheo-bi-bo-lai-phia-sau/