'Ðịa chỉ đỏ' tạo nguồn cán bộ dân tộc rất ít người

Thực hiện chính sách giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Ðảng và Nhà nước, những năm qua, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo) đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành 'địa chỉ đỏ' tạo nguồn cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ dân tộc rất ít người. Hiện nay, nhà trường đang nuôi, dạy, đào tạo hơn 2.500 học sinh, sinh viên người DTTS các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc từ Quảng Bình trở ra.

Thực hiện chính sách giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Ðảng và Nhà nước, những năm qua, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo) đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành “địa chỉ đỏ” tạo nguồn cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ dân tộc rất ít người. Hiện nay, nhà trường đang nuôi, dạy, đào tạo hơn 2.500 học sinh, sinh viên người DTTS các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc từ Quảng Bình trở ra.

Nằm trên địa bàn TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc có hệ phổ thông dân tộc nội trú và hệ dự bị đại học dân tộc. Từ năm học 2005 - 2006 đến nay, nhà trường được giao thêm nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh thuộc các dân tộc rất ít người như: Lự, Mảng, Ngái, Bố Y, Pà Thẻn, La Chí, La Hủ, Cơ Lao, Pu Péo, Lô Lô... Mỗi năm học, trường tuyển từ 40 đến 45 học sinh khối lớp 9 và lớp 10 là con em đồng bào các dân tộc này. Ðây là những học sinh trong diện ưu tiên xét tuyển thẳng, do các tỉnh cử tuyển đi học.

Học sinh dân tộc rất ít người khi về nhập trường trình độ không đồng đều, thiếu hụt nhiều kiến thức, phát âm tiếng Việt chưa tròn vành rõ tiếng, nhiều thói quen lạc hậu, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu tự tin. Vì thế, ngay từ khi mới nhập học, tổ tư vấn học sinh, sinh viên cùng các bộ phận chức năng của nhà trường hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản nhất, như sử dụng các thiết bị gia dụng, cách sống, sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt tập thể; đồng thời bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết giảng dạy để tạo cho các em tâm lý thoải mái, không bị áp lực, không tự ti khi hòa nhập môi trường mới. Hằng tuần, giáo viên lên lớp kèm cặp, phụ đạo riêng cho từng nhóm bốn, năm em còn thiếu hụt kiến thức để các em bắt kịp chương trình học. Các em được miễn học phí, cấp đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân là chăn ấm, màn, áo rét, quần áo đồng phục. Khi lên lớp 12, các bạn nữ được cấp một bộ áo dài, các bạn nam được cấp một bộ com-plê. Riêng học sinh dân tộc rất ít người được hưởng học bổng bằng 100% mức lương cơ bản. Do vậy, dù sống xa gia đình nhưng với sự ân cần, tận tình chỉ bảo, nuôi dạy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, sau thời gian ngắn, các em đều coi trường là nhà, thầy, cô giáo là cha mẹ, bạn bè là anh em.

Phương châm giáo dục của nhà trường đối với học sinh dân tộc rất ít người là vừa dạy vừa chỉ bảo, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học để phát huy tính chủ động, tích cực, chăm chỉ tự học, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống, coi trọng giáo dục hướng nghiệp cho nên đã mang lại hiệu quả cao. Những năm qua, 100% số học sinh dân tộc rất ít người lớp 9 đỗ tốt nghiệp và lên lớp 10; 100% số học sinh khối lớp 12 đều đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và vào học các trường cao đẳng, đại học, dự bị đại học. Nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, điển hình là em Tao Văn Xeng, dân tộc Lự, lớp 12A1 K52 đoạt Giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, Giải nhì học sinh giỏi tỉnh Thái Nguyên; em Lăng Nguyễn Hùng Anh, dân tộc Lô Lô, lớp 12A16 K60 đoạt Huy chương đồng môn Hóa học khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ, Huy chương bạc thi học sinh giỏi Trại hè Hùng Vương, hiện nay tham gia đội tuyển của tỉnh Thái Nguyên thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học…

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần trách nhiệm, nhà trường và hơn 2.500 học sinh, sinh viên đều nỗ lực vượt khó. Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, an ninh Trần Thị Thanh Huệ cho biết: “Với quan điểm không đến trường nhưng không dừng việc học, thời gian qua nhà trường chủ động trong việc dạy học từ xa cho học sinh, sinh viên bằng hình thức trực tuyến. Tuần đầu triển khai học tập từ xa có 50% số học sinh, sinh viên tham gia học, sau đó tăng dần, đến tuần cuối tháng 4 vừa qua có 90% số học sinh, sinh viên tham gia học. Ðối với 160 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường mua thẻ 3G, 4G cho các em nạp điện thoại để học trực tuyến”. Trong khó khăn, xuất hiện nhiều học sinh vượt khó, ham học. Có thể kể đến em Vàng Ha Né, lớp 12A8, dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu), ở nhà không có sóng điện thoại, ngày nào đến giờ học trực tuyến em cũng phải đi bộ 7 km đến chỗ có sóng điện thoại để học; em Lò Thị Sòn, dân tộc Lự, lớp 11A6, nhà ở huyện Tam Ðường (Lai Châu), hoàn cảnh gia đình rất khó khăn lại phải chăm sóc bố ốm nặng nhưng em vẫn hoàn thành chương trình học trực tuyến...

Trường đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để đón các em lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học, sau đó là các khối lớp khác; các học sinh dân tộc rất ít người được bố trí phương tiện đón trở lại trường. Cô giáo Trần Thị Thanh Huệ cho biết thêm: “Trường đã chuẩn bị giáo án theo chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, dạy học hai ca để bảo đảm chương trình và phòng dịch. Ðối với các em không có điều kiện trực tuyến thường xuyên, học sinh học lực kém, nhà trường tổ chức phụ đạo, dạy thêm vào buổi tối; tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức để các em lớp 12 thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt nhất”.

Hiệu trưởng Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc Lục Thúy Hằng chia sẻ: “Học sinh DTTS nói chung, học sinh dân tộc rất ít người nói riêng cũng có khả năng, phát triển tài năng như các em người Kinh và bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, phương pháp giảng dạy đúng của nhà trường, đã phát huy tốt khả năng của các em. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học cho thấy điều đó”. Từ khi thành lập cho đến nay, trường đã đào tạo, nuôi dưỡng hơn 40 nghìn học sinh DTTS, trong đó có hơn 600 học sinh dân tộc rất ít người. Sau khi trưởng thành ở mái trường này, hầu hết các em đều trở thành người có ích cho xã hội, làm việc, công tác ở khắp mọi miền của đất nước, nhiều người trở thành cán bộ giỏi ở Trung ương và các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường phải đối mặt cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, đó là các tòa nhà ký túc xá, chỗ ở cho gần 1.000 học sinh, sinh viên được xây dựng cách đây gần 30 năm đã bị thấm, hệ thống điện, nước cũ hư hỏng; sân chơi, bãi tập không đáp ứng được yêu cầu giáo dục ngoài trời do không được đầu tư kinh phí sửa chữa từ ba năm nay. Ðội ngũ thầy và trò nhà trường mong muốn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo giúp đỡ khắc phục khó khăn này để việc dạy và học ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/44362302-%E2%80%9C%C3%B0ia-chi-do%E2%80%9D-tao-nguon-can-bo-dan-toc-rat-it-nguoi.html