Ði qua mùa gió bão

Giữa tháng 8, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến Lào Cai có mưa lớn. Mưa nhen lên những nỗi lo trong căn nhà chon von bên sườn dốc hoặc nằm dưới những khối đất, đá lửng lơ như chờ ngày đổ ập xuống sau gió bão…

Mưa lớn khiến con suối sau nhà bà Đỗ Thị Phương ở thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai (Mường Khương) dâng cao. Năm trước, nước từ chính con suối này dâng ngập nhà bà Phương cả nửa mét khiến nhiều tài sản bị thiệt hại. Thế nhưng, năm nay không còn nỗi bất an như những mùa mưa trước bởi căn nhà bà Phương mới xây lại ngay trên nền đất cũ được đôn cao lên. Con suối phía sau nhà cũng được khơi lại dòng chảy, gia đình bà chủ động đắp bờ suối lên cao như một con đê tránh lũ tràn vào nhà.

Bà Phương nhớ lại: Năm ấy, sau trận mưa lớn suốt đêm, khi giật mình thức giấc thì nước đã ngập qua cổ chân. Lúc ấy mất điện, mẹ con bà chỉ kịp bật đèn pin cuống cuồng bế mấy đứa cháu nhỏ chạy ra khỏi nhà. Sáng ra mới thấy nước dâng trắng bờ bãi, ngập hỏng hết đồ điện trong nhà, hỏng cả bom sao chè (máy sao chè công suất nhỏ), xoong nồi cũng nổi lềnh bềnh theo nước lũ trôi đi mất. Từ trận lũ ấy, cứ mưa lớn là bà lại lo ngay ngáy, giấc ngủ đêm mưa cũng chập chờn chẳng yên, mơ sợ nước lũ dâng ngập chân giường.

Căn nhà bà Đỗ Thị Phương ở thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai được xây dựng khang trang trước mùa mưa bão.

Căn nhà bà Đỗ Thị Phương ở thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai được xây dựng khang trang trước mùa mưa bão.

Cũng từ đó, gia đình bà Phương có thêm động lực, tích cóp xây căn nhà mới kiên cố, khang trang trên nền đất được đôn cao so với nền nhà cũ hơn 1 mét. Tháng 7, tháng 8 mưa nhiều, nước mưa được dồn về thung lũng, ùn ùn thành cơn lũ lớn phía sau nhà bà Phương nhưng ngôi nhà mới kiên cố vẫn đứng yên thách thức, giấc ngủ của những người mới năm nào còn xắn quần chạy lũ cũng vì thế yên ả hơn những ngày nước lớn.

Bà Phương chia sẻ: Tôi sống ở đây mấy chục năm trời, chưa từng nghĩ sẽ có ngày lũ dâng cao tràn vào nhà như năm trước. Có thể do năm ngoái mưa đột biến thôi nhưng thiên nhiên mà, chẳng ai nói trước được điều gì. Bởi vậy nên bị ngập một lần rồi, nhà xây lại tôi chủ động xây cao hơn, cũng phải có phương án đề phòng mới có thể yên tâm được.

Có ai đó đã ví von về hình tượng của căn nhà. Đó là nơi “bão dừng sau cánh cửa”, là nơi cư ngụ an toàn nhất của tầng tầng, lớp lớp các thế hệ trong một gia đình. Đúng theo nghĩa đen mà diễn giải thì quả đúng là những ngày gió bão, chẳng nơi nào khiến người ta cảm thấy an toàn bằng căn nhà của mình. Ấy thế nhưng, vẫn có những căn nhà không ngăn nổi bão gió khi thuộc diện rủi ro chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Sống trong căn nhà của mình nhưng vẫn thường trực ở đó nỗi bất an chẳng biết khi nào bão đổ về.

“Nguy hiểm có thể bắt đầu từ vết nứt ngay giữa căn nhà”, đó là nỗi lo của anh Thào Seo Nổ ở thôn Pao Pao Chải, xã Pha Long (Mường Khương). Nhà anh Nổ nằm trên một sườn dốc có dấu hiệu trượt lở. Vết nứt đã lộ rõ giữa nền của căn nhà gỗ. Qua khảo sát của chính quyền địa phương, nhà của gia đình anh thuộc diện cần phải di dời khỏi vùng thiên tai nguy hiểm. Thế nên, cứ mỗi lần gió bão rít qua khe cửa, khi những đám mây đen kéo đến báo hiệu một cơn mưa lớn đang đổ về, nỗi lo về vết nứt lại khiến 6 thành viên trong gia đình anh đứng ngồi không yên.

Không chỉ gia đình anh Nổ mà người dân trong thôn cũng thấy lo lắng nên đã động viên anh tìm nơi mới an toàn hơn để xây một căn nhà mới, cách nhà cũ hơn 100 mét.

“Để giúp gia đình anh Nổ an cư tại nơi ở mới, người dân thôn Pao Pao Chải chẳng ngại góp công, góp sức cùng gia đình san gạt mặt bằng, rồi làm móng, đổ nền, đổ mái. Đến khi gia đình có nơi ở mới an toàn, bà con trong thôn cũng yên tâm hơn” - đó là chia sẻ của chị Lù Thị Dế, Trưởng thôn Pao Pao Chải, xã Pha Long.

Theo chia sẻ của chị Dế, gia đình anh Nổ thuộc diện cần di dời khẩn cấp khỏi nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm do thiên tai. Thế nhưng, vì chưa đủ điều kiện, việc xây dựng nhà và chuyển đến nơi ở mới sang đến đầu năm 2022 mới thực hiện được. Những ngày mưa to, gió lớn, nguy cơ sạt lở cao, gia đình anh Nổ phải tá túc tại nhà người thân trong thôn. Bà con thấy thế đã động viên tinh thần, giúp đỡ gia đình anh chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn dù trước mắt còn nhiều khó khăn. Là hộ di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai đến nơi ở mới, gia đình anh Nổ được hỗ trợ 20 triệu đồng. So với số tiền để xây một căn nhà mới thì số tiền này không lớn nhưng là sự động viên kịp thời, tiếp thêm tinh thần để gia đình di chuyển đến nơi an toàn.

Căn nhà mới được xây dựng hoàn tất vào đầu năm nay, trước khi mùa mưa đến. Nỗi lo trong mùa mưa lũ vì thế cũng dần tan biến, không còn khiến anh Nổ phải thức trắng hằng đêm như trước đây.

Theo khảo sát của các ngành chuyên môn và các địa phương, năm nay, toàn tỉnh còn hơn 300 căn nhà cần được sắp xếp lại theo hình thức ổn định tại chỗ hoặc di dời khỏi khu vực chịu rủi ro từ thiên tai. Đó là những ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn dốc, có nhà nằm lọt thỏm giữa thung sâu mà phía trên là những khối đất, đá lớn “lửng lơ” có nguy cơ sạt lở. Có những căn nhà “mạo hiểm” nằm ngay “rốn” của con suối nhỏ, ngày thường róc rách hiền hòa nhưng khi lũ về lại trở thành mối nguy trước cơn lũ quét. Vậy nhưng, chuyển nhà là chuyện cả đời người, chẳng phải chuyện nhỏ muốn chuyển đi là chuyển ngay được. Thế nên, cứ mỗi lần nghe tin bão đang đổ về, những ngày mưa lớn kéo dài, những nỗi lo cứ lớn dần lên. Để rồi chờ ngày bão tan, chờ ngày thu xếp được đến nơi ở an toàn hơn mới có thể thở phào nhẹ nhõm bởi đã bình yên đi qua mùa gió bão.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360231-i-qua-mua-gio-bao