Hy vọng gì từ đợt ra quân mới tiếp tục giành lại vỉa hè Sài Gòn?

Sau hơn 3 tháng ngừng ra quân, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1 lại tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác liên ngành rầm rộ xuất kích với mục tiêu đường thông hè thoáng cho khu vực trung tâm Sài Gòn.

Tuy không còn kiểu làm bùng nổ như trước đây, nhưng kế hoạch của ông Đoàn Ngọc Hải cũng chưa được xuôi chèo mát mái như dự định. Phải chăng, cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ thực sự giống như một bộ phim dài tập, hội đủ các tình tiết gay cấn và éo le?

Ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - lại tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác liên ngành giành lại vỉa hè

Vỉa hè dành riêng cho người đi bộ! Lý thuyết rõ ràng như vậy, và ai cũng có thể dễ dàng nói như vậy. Thế nhưng, thói quen tùy tiện đã biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, từ quán nhậu, tiệm ăn cho đến bãi giữ xe. Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, là mệnh lệnh của xã hội. Quan trọng hơn, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, còn thể hiện nét đẹp văn minh của đô thị hiện đại. Hành động cương quyết, tuy nhiều lúc hơi quá đà, của ông Đoàn Ngọc Hải hoàn toàn đáng trân trọng và đáng ủng hộ.

Nhắc lại chuyện chưa xa, đầu năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải đã ra quân tại Quận 1 và tạo thành làn sóng dư luận sôi sục. Thắng lợi bước đầu của ông Đoàn Ngọc Hải đã khích lệ nhiều quận khác của TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác cũng thực hiện công tác chấn chỉnh trật tự lòng đường và lề đường. Những con số thống kê của Quận 1 rất phấn khởi: Khoảng 7.000 biên bản xử phạt ban hành từ đầu năm đến nay, thu hơn 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau bốn tháng đoàn liên ngành do ông Hải dẫn đầu không xuống đường, giao trách nhiệm cho 10 phường tự thực hiện, thì vỉa hè trung tâm Sài Gòn bị tái chiếm nghiêm trọng.

Làm sao để vỉa hè Sài Gòn không lâm vào thảm cảnh rượt đuổi nhau để xử phạt, rồi đâu lại hoàn đấy? Trong cuộc họp do Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì, ông Đoàn Ngọc Hải đã có phát biểu rất mạnh mẽ: “Tôi cam kết trong năm 2017 chấm dứt vỉa hè nhếch nhác, vậy thì phải cho tôi toàn quyền xử lý kể cả quyền xử lý cán bộ. Có vậy quận 1 mới tốt được. Vỉa hè là minh chứng rõ nhất cho lợi ích nhóm, đặc biệt là vỉa hè quận 1. Có sự buông lỏng quản lý của một số cán bộ phường, trật tự đô thị, có dấu hiệu trục lợi. Trước đây đường Đồng Khởi không có hàng rong, bây giờ đầy. Đường Nguyễn Huệ từ 9h30 tối trở đi là kinh khủng không thể chấp nhận được. Trước mặt UBND Thành phố còn như vậy thì những góc khuất khác sẽ thế nào. Cho nên trong công tác cán bộ không thể nào xuề xòa nể nang, tránh ngại đụng chạm”.

Những điều ông Đoàn Ngọc Hải nhận định, dù có thể động chạm tự ái một vài người, nhưng không có gì sai lệch với thực tế. Xưa nay, thuốc đắng giã tật mà sự thật mất lòng. Nếu vỉa hè trung tâm Sài Gòn không giải quyết được, thì cả thành phố lớn nhất phương Nam sẽ biến thành cái chợ bát nháo cho những kẻ bất lương mưu cầu lợi ích riêng tư. Ông Đoàn Ngọc Hải đã nhận ra nghịch lý “vỉa hè càng bầy hầy thì cán bộ càng thích”, nghĩa là phần nào đã tìm ra mấu chốt để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Cái lạ của đường xá nước ta, là cứ chỗ nào có khoảng trống thì bày ra mua bán, bất chấp luật lệ và bất chấp mỹ quan. Tệ hại hơn, khi sức ép dân số đô thị tăng nhanh, thì vỉa hè còn bị trưng dụng làm bãi giữ xe. Vì vậy, ngay khi mở màn chiến dịch tái lập trật tự vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải không ngần ngại dẹp ngay hai bãi giữ xe bên hông UNBD Quận 1. Cách chọn điểm rơi này của ông Đoàn Ngọc Hải khá thú vị, vì bãi giữ xe nghênh ngang chiếm vỉa hè ngay nơi làm việc của mình mà không trấn áp được thì làm sao ứng xử với những vị trí khác.

Một trong hai bãi giữ xe bị dẹp ngay lập tức chính là nơi giữ xe miễn phí dành cho cán bộ và người dân đến liên tục công tác với UBND Quận 1, nhưng lại hồn nhiên thu phí. Bị bắt quả tang, dẹp luôn là đúng như quan điểm của ông Đoàn Ngọc Hải: “Quận 1 là bộ mặt của thành phố, hầu hết khách nước ngoài khi đến TP.HCM đều tập trung về đây nên không thể duy trì một bãi giữ xe lộn xộn, nhếch nhách được. Nhất là nó nằm ngay không gian lõi gồm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Công viên 30/4, UBND quận 1”.

Một bãi giữ xe khác cũng bị ông Đoàn Ngọc Hải ban lệnh dẹp, đó là bãi giữ xe liên quan đến Đường sách TP.HCM. Gần hai năm qua, con đường Nguyễn Văn Bình nằm bên hông Bưu điện TP.HCM được chọn làm Đường sách TP.HCM, như một điểm nhấn văn hóa đô thị. Việc dẹp bỏ một trong hai bãi giữ xe gần với Đường sách TP.HCM cũng tạo ra nhiều tranh cãi.

Ông Lê Hoàng – Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Ông Lê Hoàng cho rằng, quyết định thu hồi bãi giữ xe bên hông UBND quận vừa qua gây ảnh hưởng đến hoạt động của Đường sách TP.HCM. Người dân không có điểm gửi xe để tham quan Đường sách TP.HCM, dẫn đến nhiều bức xúc. Bởi vì, Đường sách TP.HCM ngày thường có 5.000 người đến, cuối tuần con số này gấp đôi trong khi bãi giữ xe quá ít. Nhiều người đến đây là trẻ em, lớn tuổi nên tôi mong muốn bãi xe sát đường sách để họ tiện di chuyển.

Đáp trả khiếu nại ấy, ông Đoàn Ngọc Hải khẳng định: Trong quy định của UBND TP.HCM, vỉa hè đường Công xã Paris, Hai Bà Trưng giữ xe không được thu phí, nhưng vẫn để xảy ra việc thu phí là sai, nên lãnh đạo quận nhất quyết phải xử lý. Đồng thời, Đường sách TP.HCM khi quản lý bãi xe trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng không được thu phí, phải tự hạch toán để cân đối khoản này, nếu không sắp xếp được thì hướng dẫn người dân đến các điểm gửi xe kế cận: “Người dân đến với Đường sách TP.HCM đâu chỉ có xe máy. Họ có thể đi bằng xe buýt, taxi. Ai cũng đi xe máy đến đây rồi gửi xe tràn lan trên vỉa hè gây cản trở lối đi người đi bộ, mất mỹ quan đô thị, đặc biệt khiến giao thông quận 1, trung tâm thành phố thêm ùn tắc!”.

Việc dẹp bỏ bãi giữ xe nằm gần Đường sách TP.HCM, có ảnh hưởng đến địa chỉ văn hóa này không? Ông Lê Hoàng – Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM ái ngại: “Lâu nay, người dân mỗi khi đến đường sách Nguyễn Văn Bình tham quan, đều chọn bãi xe trên đường Công Xã Paris để gửi xe. Nay bãi xe này dẹp bỏ sẽ gây ra nhiều bất tiện, người dân sẽ phải đi lại xa để gửi...”.

Tuy nhiên, có những ngày Đường sách TP.HCM khá vắng vẻ, nhưng tại sao bãi giữ xe vẫn chật cứng? Vì bãi giữ xe hoạt động như một dịch vụ, nên thoải mái nhận giữ xe cho khách ra vào các nhà hàng, quán nhậu khu vực lân cận. Có những ngày cuối tuần, người thực sự muốn tham dự sự kiện nào đó của Đường sách TP.HCM vẫn không thể gửi xe, vì bãi giữ xe đã… hết chỗ! Duy trì bãi giữ xe cho Đường sách TP.HCM là cần thiết, nhưng phải có giải pháp căn cơ. Bãi giữ xe Đường sách TP.HCM không thể giao cho tư nhân đấu thầu như một thương vụ làm ăn.

Ông Đoàn Ngọc Hải kiên quyết trong chiến dịch giành lại vỉa hè

Ở đợt ra quân trước, một trong những hành động ít nhận được thiện cảm của ông Đoàn Ngọc Hải là cho cẩu xe vi phạm dù chủ xe và tài xế có mặt để giải quyết. Lần này, ông Đoàn Ngọc Hải đã khéo léo và uyển chuyển hơn, xử phạt tại chỗ xe vi phạm đậu trên vỉa hè. Chỉ những xe nào không có tài xế và quá 30 phút vẫn không có chủ xe đến giải quyết thì mới lập biên bản, niêm phong để cẩu đi. Điều ấy, chứng tỏ ông Đoàn Ngọc Hải đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu từ những cuộc xuống đường chấn chỉnh vỉa hè trước đây.

Ra quân lần thứ hai, sau hơn 3 tháng để vỉa hè trung tâm Sài Gòn bị tái chiếm, ông Đoàn Ngọc Hải có chủ trương dẹp toàn bộ các bãi xe thu phí trên vỉa hè. Ông Đoàn Ngọc Hải thổ lộ, do tâm lý nể nang, tránh ngại đụng chạm nên không ai dám làm, đến khi ông làm được rồi, thì sự phản ứng trong lãnh đạo cấp cao của quận là có. Tương tự, xử lý đối với xe biển xanh, biển đỏ vi phạm thì không việc gì phải chần chừ, vì người dân rất bức xúc.

Một trong những băn khoăn của ông Đoàn Ngọc Hải là rắc rối của các bộ cơ sở ở 10 phường trên địa bàn quận trong quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị phải kiểm tra hằng ngày, tránh tình trạng đánh giá phường nào cũng giống phường nào, cuối năm ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận bằng khen, thậm chí cả huân hương lao động. Tôi mà như thế tôi mắc cỡ không ngủ được. Mình có xứng đáng đâu mà nhận, vì mình làm chưa hết trách nhiệm!”.

TÂM HUYỀN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hy-vong-gi-tu-dot-ra-quan-moi-tiep-tuc-gianh-lai-via-he-sai-gon-post200924.html