Hy vọng cho những cánh rừng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: 'Vừa rồi, tôi đi lên Tây Bắc bằng máy bay, đi đồng bằng sông Cửu Long, thấy màu xanh thì mừng lắm'. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi diện tích rừng cả nước tăng lên. Năm 2016 tăng 315.826 hecta, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ nỗi lo khi ở nhiều nơi rừng vẫn bị đốn hạ, triệt phá.

Kiểm lâm Đắc Lắc kiểm tra gỗ bị bắt giữ trong một vụ chặt phá rừng trái phép.

Cả nước có 60/63 tỉnh có rừng. Rừng với đất nước là vô cùng quan trọng, không chỉ là nguồn sống của một bộ phận cư dân, không chỉ là nguồn lâm sản, dược liệu... mà còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Trước nạn chặt phá rừng quá dữ dội, diện tích rừng sụt giảm trầm trọng; hơn 1 năm trước, tại Hội nghị tổ chức ở Đắc Lắc ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp. Kể từ đó tới nay, số vụ chặt phá rừng trái phép giảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại một số địa phương vẫn để xảy ra nạn phá rừng. Những con số tổng hợp phát hiện những vụ phá rừng, con số vụ xử lý hình sự về phá rừng vẫn còn rất lớn cho thấy tình hình vẫn nóng bỏng. Điều đó đòi hỏi phải có thái độ kiên quyết hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã và của các lực lượng chức năng liên quan- trong đó nổi lên vai trò của kiểm lâm.

Cuộc chiến chống phá rừng vẫn tiếp diễn và còn phức tạp, gian nan, nhưng với việc Thủ tướng chỉ ra những điểm cốt lõi của vấn đề tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ, quản lý rừng đã mang tới niềm hy vọng cho những cánh rừng Việt Nam.

Trong phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng nói: “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf là ta phá hết rừng trồng bao đời nay”. Đây là một điểm mới của vấn đề mà trước đây ít khi được chú ý khi nói về nạn phá rừng. Nói mới là bởi đối tượng phá rừng ở đây không phải là lâm tặc, cũng không phải là người dân chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy, dựng nhà- mà là chính quyền địa phương. Với tầm nhìn ngắn hạn và phiến diện, những người được giao quản lý nhà nước trên địa bàn đã hy sinh sự phát triển bền vững chỉ vì lợi ích trước mắt, kể cả họ không bắt tay với doanh nghiệp để trục lợi đi chăng nữa. Nhưng điều đó thì không ai dám nói chắc.

Với việc “phá rừng hợp pháp” như vậy- nhân danh chính quyền, nhân danh sự đồng thuận tập thể vì mục tiêu phát triển kinh tế địa phương- đã đến lúc cần nhìn nhận như một nguyên nhân của việc làm sụt giảm diện tích che phủ rừng, là vi phạm pháp luật và phải có chế tài xử lý thỏa đáng. Tiếc rằng đến nay chưa có vụ “phá rừng nhân danh tập thể” nào bị đưa ra xét xử.

Ở một khía cạnh khác, cũng vẫn đối tượng này làm cho rừng bị triệt hại. Đó là việc chuyển đổi diện tích “rừng nghèo” sang diện tích đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Đây cũng là cách làm hại rừng được che chắn bởi địa phương khi có được những quyết định hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng cần nhớ rằng, rừng tự nhiên rất khác so với rừng trồng mới, vì hai hệ sinh thái là hoàn toàn khác nhau. Ở đây, không thể dùng khái niệm này thay cho khái niệm khác, và điều đó đã được chính Thủ tướng chỉ ra.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa về việc giữ rừng, đó là xử lý nghiêm những hành vi phá rừng trái phép. Ở đây, trong trường hợp đó là rừng bị phá do lâm tặc, hoặc là do người dân đốt rừng làm nương rẫy, dựng nhà thì chính quyền xã và kiểm lâm cũng không thể nói là vô can. Chính quyền xã và kiểm lâm là hai lực lượng chính hiểu rõ địa bàn nhất, được giao trách nhiệm rõ nhất nên không thể để những hecta rừng bị chặt hạ, bị đốt cháy cả tháng trời mới biết. Và cũng thật ngạc nhiên họ chỉ biết khi truyền thông lên tiếng. Vậy, trách nhiệm của họ ở đâu? Phải nói rằng đó chính là sự vô trách nhiệm, không loại trừ cả việc đồng lõa, tiếp tay, “bảo kê” cho các đối tượng phá rừng để kiếm lợi riêng. Về việc này, Thủ tướng nhấn mạnh “cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được. Liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”.

Chính vì thế, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện trên toàn quốc. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Và thứ ba là không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển; không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm và công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Và đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Như vậy, cùng với việc xác định rõ đối tượng phá rừng, tiếp tay cho phá rừng, xử lý nghiêm, công khai- công tác bảo vệ, quản lý rừng đã tiến thêm một bước mới rất quan trọng. Điều đó hy vọng những cánh rừng của đất nước sẽ được bảo vệ tốt. Phải chấm dứt việc nhìn nhận rừng như theo kiểu “cha chung không ai khóc”, thay vào đó phải hiểu rằng rừng, đất rừng có chủ, phải có người chịu trách nhiệm.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/hy-vong-cho-nhung-canh-rung-382741