Hy Lạp yêu cầu các công nhân chấm dứt đình công

Ngày 5/2, Chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu công nhân ngành vận tải đường thủy phải chấm dứt cuộc đình công, vốn gây cản trở và đình trệ dịch vụ vận tải đến các hòn đảo của nước này trong gần một tuần qua.

Các công nhân đang chống lại cảnh sát trong cuộc đình công hôm 31/1. (Nguồn: Reuters)

Theo Bộ trưởng Thương mại Hàng hải Hy Lạp, ông Costis Moussouroulis, chính phủ đã làm hết khả năng để đáp ứng yêu cầu của các công nhân. Tuy nhiên, các khía cạnh chính trị vun vặt không phải là lý do để đối thoại. Chính vì thế, chính phủ yêu cầu các công nhân đình công trở về làm việc từ 4:00 (theo giờ GMT) ngày 6/2.
Trong khi đó, Công đoàn các thủy thủ toàn Hy Lạp (PNO) đã quyết định kéo dài cuộc đình công sáu ngày này thêm 48 giờ nữa. Ông Antonis Dalakogiorgos, thành viên cao cấp của công đoàn, khẳng định các công nhân có quyền chống lại yêu cầu của chính phủ, và công đoàn sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc đấu tranh. Công đoàn đã phát động đình công nhằm phản đối kế hoạch cải cách lao động, cho phép giới chủ hạn chế số lượng nhân công.
Trong khi công đoàn ngành vận tải đường thủy Hy Lạp công bố con số thất nghiệp là 7.000 người trên tổng số 15.000 công nhân hoạt động trong ngành, thì Bộ Thương mại Hàng hải lại cho rằng chỉ 4.200 người thất nghiệp trên tổng số 17.000 công nhân.
Chính phủ liên minh ở Hy Lạp đã nỗ lực thực hiện chương trình "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy những khoản vay cứu trợ quan trọng, và chính điều này đã gây ra làn sóng đình công trên cả nước.
[Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ ở Hy Lạp]
Tháng Một vừa qua, lực lượng cảnh sát chống bạo động Hy Lạp đã được huy động để giải quyết cuộc đình công của nhân viên hệ thống tàu điện ngầm Athens, làm tê liệt mạng lưới giao thông này của thủ đô trong chín ngày.
Từ tuần trước, nông dân trên toàn quốc cũng biểu tình phản đối bằng cách đỗ máy kéo gần các đường quốc lộ chính, tuy nhiên không gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Ngoài ra, trong gần hai tuần qua, công nhân ngành vận tải và y tế cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình, bãi công.
[Hy Lạp: Hệ thống tàu điện ngầm tê liệt do đình công]
Hai công đoàn chính của Hy Lạp là ADEDY của khu vực công và GSEE của khu vực tư nhân đều đã kêu gọi tổng đình công trong ngày 20/2.
Trong khi đó, các kiểm toán viên từ ba chủ nợ chính của Hy Lạp là Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tới Athens vào cuối tháng này để đánh giá lại những cải cách mà Hy Lạp thực hiện./

(TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/hy-lap-yeu-cau-cac-cong-nhan-cham-dut-dinh-cong/20132/182152.vnplus