Hy hữu vụ kiện bóng cây ngả sang đất hàng xóm

“Cây không ngả sang, đất không lấn, bóng cây là tại trời nắng, lúa thất bát do không biết làm, cớ sự gì mà ông bắt tôi chặt cây… ?”. đó là tình cảnh tréo ngoe của bà Hai Thảo và ông Ba Thuận ở huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Hình minh họa.

Trước đây, bà Hai Thảo ở huyện Gò Quao, ông Ba Thuận ở huyện An Minh cùng đến vùng Tứ giác Long Xuyên (Giang Thành, Kiên Giang) lập nghiệp.

Theo chủ trương chung của tỉnh, hộ bà Thảo và hộ ông Thuận đều được cấp mỗi người một định suất 2,5 ha và họ trở thành hàng xóm liền canh, liền cư từ những ngày đầu nhận đất.

Sẽ chẳng có gì để nói, chẳng có gì để phải mất lòng lẫn nhau nếu như vào năm 2008, bà Thảo không trồng hàng cây bạch đàn trên suốt bờ bao của mình, dài đến nửa cây số, giáp với ruộng của nhà ông Ba Thuận. Những năm đầu, cây còn nhỏ nên không ảnh hưởng gì đến việc trồng cấy của ông Thuận.

Nhưng theo năm tháng, hàng cây của bà Thảo lớn dần, chiều xuống che rợp cả một đám ruộng của nhà ông Ba Thuận, năng suất lúa cũng vì vậy mà bị cho rằng giảm dần theo độ lớn của cây. Ông Thuận nhiều lần đề nghị bà Thảo chặt hàng cây, nhưng bà Thảo không chịu. Bà Thảo cho rằng “cây không ngả sang, đất không lấn, bóng cây là tại trời nắng, trời râm đâu có bóng…

Lúa thất bát tại không biết làm, tôi cứ để đó 10 năm nữa mới chặt, ông làm gì được tôi”. Đáp lại, ông Thuận: “để 10 năm nữa đặng cưa ván đóng hòm chôn bà à…”. Giải quyết không xong, hai bên đưa nhau đến tổ hòa giải, nhưng hòa giải viên cũng chẳng biết phải phân xử như thế nào về chuyện bóng cây, trong khi ông Thuận không chứng minh được thiệt hại thực tế, còn bà Thảo bảo tại trời nắng.

Khoản 2 Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2005, hay khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều quy định, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định. Nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ở trường hợp của bà Thảo, đúng là bà trồng cây trong khuôn viên đất của bà, cành cây, rễ cây không vượt quá ranh giới đất của bà, nhưng bóng cây đã ngả sang nhà ông Thuận nên làm ảnh hưởng đến việc canh tác lúa của ông Thuận.

Vì vậy, chiếu theo luật, bà Thảo phải có nghĩa vụ chặt cây để khắc phục. Nếu ông Thuận chứng minh được thiệt hại thực tế giảm năng suất lúa do bóng cây che mát, thì bà Thảo còn phải bồi thường cho ông Thuận.

Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại giảm năng suất lúa do bóng cây gây ra là điều rất khó khăn. Còn về tình, các bên phải tuân thủ nguyên tắc mang lại lợi ích cho mình, nhưng đừng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác.

Ở đây, không có chuyện tại trời mới có bóng cây, mà là tại người trồng cây. Vậy nên hòa giải viên cần kết hợp cả lý và tình hòa giải để bà Thảo thu hoạch hàng cây bạch đàn của mình, chuyển sang trồng những loại cây khác vừa có giá trị kinh tế hơn, vừa không ảnh hưởng đến nhà ông Thuận.

Thu Uyên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hy-huu-vu-kien-bong-cay-nga-sang-dat-hang-xom-d26362.html