Huỳnh Thúc Kháng - suốt đời vì nước, vì dân

Mới đây, tại Quảng Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng nhớ 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh tại nhà lưu niệm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân, hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam).

Từ sớm cụ Huỳnh đã sớm hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc. Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng nhưng từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân, nuôi chí canh tân đất nước.

Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào chống sưu thuế, cụ bị bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm. Nhưng cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn.

Ra tù, với tầm nhìn và tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cương trực, trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.

Lãnh đạo Nhà nước trồng cây tại khu lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5 và một số tỉnh/thành đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước, cụ Huỳnh đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ còn là người sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”. Trên đường công tác, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và qua đời. Cụ được mái táng trên núi Thiên Ấn, TP Quảng Ngãi.

Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng cụ phần thưởng cao quý - Huân chương Sao vàng.

Cụ Huỳnh để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, đưa ra nhiều chính kiến lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và nhấn mạnh không có nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta. Đến nay những trăn trở suy tư của cụ về đất nước, về chủ quyền biển đảo vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều đoàn đến nhà lưu niệm thắp hương tưởng nhớ ngày sinh cụ Huỳnh

Trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, cụ Huỳnh Thúc Kháng - một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, vị lãnh đạo Nhà nước mẫu mực, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, người đã có công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cụ Huỳnh là tấm gương sáng, đức cao, vọng trọng, suốt một đời vì nước, vì dân, mãi mãi để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc. 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, cụ trước sau luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Sừng sững với núi Ấn, sông Trà

“Thời gian đã lùi xa, nhưng cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng vẫn sừng sững với núi Ấn, sông Trà và quê hương, đất nước.

Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chúng ta nguyện noi gương cụ, học tập, tu dưỡng và phấn đấu suốt đời vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, những ước mơ, hoài bão lớn mà sinh thời Bác Hồ kính yêu, cụ Huỳnh và các thế hệ cách mạng tiền bối hằng mong ước”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/huynh-thuc-khang-suot-doi-vi-nuoc-vi-dan-post176536.html