Huyết mạch Trái đất bị 'bức tử' đến bốc hơi, tiềm ẩn đại họa?

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 51-60% tổng các con sông và suối trên Trái đất đều ngừng chảy theo chu kỳ hoặc cạn kiệt ít nhất một ngày trong một năm.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học McGill (Canada) và Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Pháp (INRAE), khoảng 51-60% trong số 64 triệu km chiều dài của tổng các con sông và suối trên Trái đất đều ngừng chảy theo chu kỳ hoặc cạn kiệt ít nhất một ngày trong một năm.

Ví dụ điển hình là con sông lớn Slims của Canada biến mất hoàn toàn chỉ trong 96 giờ đồng hồ. Nó được nước băng tan từ dòng sông băng Kaskawulsh lớn nhất của Canada đổ về. Toàn bộ nước của dòng sông rộng trung bình 480 mét đã biến mất hoàn toàn.

Hiện tượng bất thường này được giới khoa học gọi với thuật ngữ "River piracy" (Dòng sông biến mất), chỉ những dòng sông đột ngột bị "rút cạn nước".

Hiện tượng này đã được ghi chép trong các tài liệu từ hàng nghìn năm, thậm chí là hàng triệu năm. Tuy nhiên ở thế kỷ 21, nó vẫn mang đến cho các nhà khoa học sự kinh ngạc.

Trước đó, dòng sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) cũng được cho là bị con người "bức tử" đến chết sau hàng thập kỷ nạo vét cát, xây đập, khai thác ồ ạt, ô nhiễm và đánh bắt cá quá mức.

Ước tính rằng mực nước sông Dương Tử trung bình đã giảm khoảng 2 cm sau mỗi 5 năm kể từ những năm 1980. Từ một dòng nước trong xanh, con sông dài nhất châu Á và đứng thứ 3 trên thế giới chuyển sang màu đục vàng, bốc mùi.

Lí giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nghiên cứu sinh tiến sĩ địa lý tại cả Đại học McGill (Canada) và INRAE cho biết: "Những con sông này đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước. Nhưng, điều đáng nói là chúng thường xuyên bị quản lý sai hoặc hoàn toàn bị loại khỏi các hoạt động quản lý và luật bảo tồn."

Bernhard Lehner, Phó Giáo sư tại Khoa Địa lý của Đại học McGill cho biết thêm, khí hậu toàn cầu tiếp tục thay đổi, nóng lên toàn cầu không ngừng tăng và nhu cầu sử dụng đất tăng theo quy mô dân số, thì một tỷ lệ ngày càng lớn của mạng lưới sông toàn cầu sẽ ngừng chảy theo mùa trong những thập kỷ tới.

Sông Hoàng Hà (dài 5.464 km, con sông dài thứ 2 châu Á), sông Murray (dài 2.375 km, Australia), sông Rio Grande (dài 3.051 km, Bắc Mỹ) là ba trong số những dòng sông đang có nguy cơ dần biến mất.

Biến đổi khí hậu nhân tạo không chỉ khiến sông/suối trở nên bất thường như vậy, nó còn khiến cho con người gặp nguy hiểm về tính mạng, công việc... Chưa bao giờ vấn đề này lại trở nên cấp bách và quy mô rộng lớn đến vậy.

Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, tài nguyên dưới dòng sông (cá, tôm...) và rất có thể khiến con người lâm vào cuộc khủng hoảng nước sạch toàn cầu.

Nghiên cứu này đã kêu gọi sự thay đổi mô hình trong khoa học và quản lý sông bằng cách sửa đổi các khái niệm cơ bản vốn được cho là "dòng nước chảy quanh năm" theo truyền thống ở các sông và suối.

Mời các bạn xem video: Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại các quốc gia ít dân nhất thế giới. Nguồn: VTC.

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/huyet-mach-trai-dat-bi-buc-tu-den-boc-hoi-tiem-an-dai-hoa-1613899.html