Huyền thoại 'Túc cầu tiểu vương' Nguyễn Thông

Ngày đầu thành lập, đội bóng đá Thể Công chỉ có 11 người, vừa đủ một đội hình thi đấu. Thủ quân của đội lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Bưởi, thi đấu ở vị trí tiền đạo. Huấn luyện viên (HLV) đầu tiên kiêm cầu thủ của đội là Nguyễn Thông, danh thủ nổi tiếng Đông Dương khi ấy, với biệt danh 'Túc cầu tiểu vương'.

Nguyễn Thông sinh ngày 12-7-1913, tại làng Thịnh Yên (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), có năng khiếu bóng đá từ nhỏ, bắt đầu chuyên tâm chơi bóng bài bản từ năm 17 tuổi. Ông thích chủ nghĩa xê dịch, thi đấu cho nhiều đội bóng nổi tiếng tại Việt Nam và Đông Dương.

Hồi ký của Đại tá Ngô Xuân Quýnh, nguyên Trưởng đoàn bóng đá Thể Công, người đã được HLV Nguyễn Thông dẫn dắt vào đời cầu thủ, cùng sống với “Túc cầu tiểu vương” từ những ngày đầu thành lập Thể Công, có đoạn: “Anh Thông, một danh thủ bóng đá Việt Nam từ trước năm 1945, là giáo viên chủ nhiệm lớp rất mẫu mực. Và chính anh là người đã dẫn dắt tôi đến với bóng đá lúc 19 tuổi. Năm 1954, lại chính anh Thông chọn tôi làm cầu thủ trong đội hình đầu tiên của Thể Công, mà anh là HLV... Anh Thông đã truyền cho tôi tình yêu tha thiết với bóng đá và bồi dưỡng cho nhiều cầu thủ như tôi nghị lực phấn đấu kiên trì vì một nền thể thao chân chính... Anh bảo: Mọi người hãy cố gắng lên để chứng minh bóng đá là một thứ văn hóa, là nghệ thuật. Đã là cầu thủ, cần phải hiểu sâu, biết rộng, có trí thông minh để ứng phó với các đường bóng khôn lường trên sân cỏ. Cái đẹp của bóng đá phải ở kỹ thuật điêu luyện và thể lực tốt, cộng với sự ăn nhịp của lối đá tập thể, sự ứng xử cá nhân rất cần linh hoạt, tài trí ngoài dự đoán của mọi người mà ít khi lặp lại”.

 Cựu danh thủ Nguyễn Thông. Ảnh tư liệu

Cựu danh thủ Nguyễn Thông. Ảnh tư liệu

Thế còn vì sao Nguyễn Thông được giới mộ điệu yêu mến gọi là "Túc cầu tiểu vương”? Chuyện là thời ấy, Nam Hoa - một đội bóng có tiếng của Trung Quốc rất hay đi giao đấu quốc tế và thường hay sang đấu ở Việt Nam. Thời gian đầu sang ta (khoảng những năm 1930-1940) họ thường thắng rất đậm. Trong đội Nam Hoa có trung phong Lý Huệ Đường cao tới 1,8m, chơi nổi bật. Người Hoa yêu quý, ca ngợi ông là “Thiết cước đại vương”, “Túc cầu đại vương”. Tính khí Lý Huệ Đường kiêu căng, coi thường bóng đá Việt Nam nên anh em ức lắm. Những lần sau hậu vệ của ta quyết tâm vô hiệu hóa Lý Huệ Đường.

Ấn tượng và nổi tiếng nhất là trận đấu hậu vệ Cao Hoài Cúi người Long An kèm sát khiến Lý Huệ Đường “mất điện”, Nam Hoa thua trận. Họ Lý bẽ mặt và không dám coi thường bóng đá Việt Nam nữa. Sau lần Nam Hoa đại bại, anh em cầu thủ Việt Nam bảo nhau: Họ có “Túc cầu đại vương” thì ta cũng phải có “Túc cầu tiểu vương”. Thế là Nguyễn Thông được cầu thủ từ Bắc vào Nam nhất trí xem là “Túc cầu tiểu vương”.

Từ năm 1939 đến 1945, Nguyễn Thông cùng với tả biên Nguyễn Hữu Viễn đầu quân cho Olympic Hải Phòng, đây là thời điểm “đầu Thông, chân Viễn” làm mưa làm gió sân cỏ Bắc Kỳ. Thông và Viễn đá bóng với nhau như tri kỷ. Khi Thông xẻ một đường bóng xuống biên trái, như một con tuấn mã, Viễn băng xuống tạt bóng đúng tầm Thông bay người trên không dùng trán "gõ” đánh chát, đưa trái bóng bay như ngôi sao sa tung lưới thủ môn đối phương.

Năm 1945 khi còn đá cho Olympic Hải Phòng, Nguyễn Thông tham gia lực lượng Công an xung phong của Việt Minh cướp chính quyền tại Hải Phòng... rồi trở thành HLV trưởng đầu tiên của đội bóng đá Thể Công (ngày 23-9-1954). Sau khi rời Thể Công, ông là Trưởng bộ môn Bóng đá Trường Cán bộ Thể dục thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh). Sau năm 1965, ông là cán bộ Ty Thể dục thể thao Lạng Sơn. Nguyễn Thông mất năm 1980, tại một căn nhà nhỏ dành cho người trông nom sân Đông Kinh (Lạng Sơn).

VŨ MẠNH HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/huyen-thoai-tuc-cau-tieu-vuong-nguyen-thong-759231