Huyện Tân Lạc đổi mới hoạt động tư pháp - hộ tịch

Để từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ công tác tư pháp - hộ tịch, huyện Tân Lạc từng bước đổi mới, triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động này.

Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Tân Lạc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn.

Trước đây, cán bộ Tư pháp huyện chủ yếu sử dụng các biểu mẫu để đăng ký hộ tịch theo cách thủ công, mỗi khi công dân muốn đăng ký hộ tịch, cán bộ Tư pháp phải xác lập, thu thập, lưu trữ thông tin thông qua biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ, phần lớn vẫn là viết tay. Từ khi được trang bị cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc nhập dữ liệu, quản lý đã phát huy hiệu quả đáng kể. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn thực hiện cả 2 hình thức, nhưng tiến tới sẽ sử dụng phần mềm dữ liệu trong đăng ký hộ tịch cho công dân. Thực hiện ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch dùng chung, việc đăng ký, quản lý hộ tịch thuận tiện, khoa học, hiệu quả, chính xác, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ cấp xã đến cấp huyện. Đồng thời, góp phần giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, thuận tiện cho việc tra cứu, thống kê hộ tịch, nâng cao công tác cải cách hành chính.

Phòng Tư pháp huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn một số nội dung đăng ký, quản lý hộ tịch trên phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; hướng dẫn một số nghiệp vụ đăng ký hộ tịch ở cơ sở; nghiệp vụ tư pháp… Phối hợp Công ty TNHH Phát triển và chuyển giao phần mềm tổ chức tập huấn phần mềm công chứng, chứng thực cho công chức làm công tác chứng thực trên địa bàn. Huyện đã tổng hợp danh sách công chức được giao làm công tác hộ tịch chưa được cấp tài khoản phần mềm hộ tịch, công chức đã được cấp tài khoản phần mềm hộ tịch, nhưng không được giao làm công tác hộ tịch trên địa bàn huyện. Rà soát, đề xuất thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn.

Đến hết tháng 5, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện đăng ký kết hôn cho 210 đôi; đăng ký khai sinh cho 724 trường hợp; đăng ký lại khai sinh 165 trường hợp; đăng ký khai tử 234 trường hợp; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 266 trường hợp; các việc hộ tịch khác 15 trường hợp. Phòng Tư pháp tiếp nhận, tham mưu Chủ tịch UBND huyện đăng ký xác định lại dân tộc cho 3 trường hợp, cải chính hộ tịch cho 11 trường hợp, thay đổi hộ tịch cho 1 trường hợp; đăng ký khai sinh cho 1 trường hợp; đăng ký cấp trích lục khai sinh (bản sao) cho 1 trường hợp. Trong lĩnh vực chứng thực, UBND các xã, thị trấn chứng thực bản sao từ bản chính 40.826 bản; chứng thực chữ ký 996 việc; chứng thực hợp đồng, giao dịch 595 việc. Phòng Tư pháp chứng thực 210 bản sao, 10 chữ ký.

Đồng chí Phạm Đăng Quyên, Trường Phòng Tư pháp huyện cho biết: Để làm tốt và phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giải quyết công việc chuyên môn, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, triển khai hiệu quả trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận với pháp luật một cách dễ dàng. Mặt khác, đổi mới công tác quản lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/142232/huyen-tan-lac-doi-moi-hoat-dong-tu-phap-ho-tich.htm