Huyện Sóc Sơn: xử lý nghiêm cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

100% số cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm đã bị cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn xử lý nghiêm. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

100% cơ sở vi phạm bị xử lý

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện Sóc Sơn đã thành lập 3 đoàn liên ngành cấp huyện và 26 đoàn của các xã, thị trấn. Từ ngày 15/4 đến nay, các đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Thống kê từ ngày 15/4 đến nay, 29 đoàn đã thanh tra, kiểm tra 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, số cơ sở đạt/số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 318/351 (đạt tỷ lệ 90,5%); số cơ sở được xác định có vi phạm là 33 cơ sở (chiếm 9,5%).

Đoàn liên ngành của huyện Sóc Sơn kiểm tra một cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm.

Đáng chú ý, 33/33 cơ sở được xác định có vi phạm đều bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức là phạt tiền. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách là 78,1 triệu đồng. Huyện cũng tiến hành tịch thu, tiêu hủy 80 lít rượu, 105 gói bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các vi phạm chủ yếu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 cho thấy sự quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Dù vậy, công tác này hiện nay vẫn đối diện nhiều thách thức.

Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen cho biết, số lượng cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thực tế triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đến nay cho thấy, tỷ lệ xử lý các vi phạm tại tuyến xã, thị trấn vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm dù đã có chuyển biến nhưng còn hạn chế. Ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng cũng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, địa phương luôn xác định an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả năm. Một trong những giải pháp được huyện chú trọng là triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện những điều kiện sản xuất - kinh doanh bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cùng với kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, huyện cũng sẽ tang cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm để kịp thời phát hiện các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm, và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn huyện.

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn đã tiến hành lấy 348 mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Theo đó, xác định có 15/348 mẫu không đạt chỉ tiêu (chiếm 4,4% tổng số mẫu giám sát). 100% mẫu vi phạm là từ xét nghiệm nhanh, trong đó có 9/15 mẫu là tinh bột.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-soc-son-xu-ly-nghiem-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham.html