Huyện nào của Hà Nội được tách thành hai quận?

Do có dân số đông, năm 2013, huyện này được tách thành hai quận với 23 phường.

1. Huyện nào của Hà Nội được tách thành hai quận?

Từ Liêm
Gia Lâm
Thanh Trì
Sóc Sơn

Chính xác

Huyện Từ Liêm được thành lập năm 1961 trên cơ sở quận 5, quận 6 và một số xã của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Tây cũ). Ngày 27/12/2013, huyện Từ Liêm được chia thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với 23 phường. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có diện tích 43,35km2, gồm 13 phường trực thuộc; quận Nam Từ Liêm có diện tích 32,27km2, gồm 10 phường trực thuộc. Khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thuộc quận này.

2. Phương án nào từng được đưa ra để đặt tên cho hai quận này?

Từ Liêm, Mỹ Đình
Mỹ Đình, Tây Thăng Long
Thanh Liêm, Thăng Long
Nam Thăng Long, Nam Hồng

Chính xác

Trong quá trình lấy ý kiến, người dân đề xuất hơn 20 cặp tên khi thành lập hai quận mới. Sau đó, có 3 phương án được đặt ra, gồm: Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Nhiều người cho rằng tên quận Mỹ Đình rất hay và đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên dư luận những xã khu vực phía Nam lại không đồng tình, bởi lẽ tên một xã lại đặt cho cả quận. Còn tên Tây Thăng Long, nhiều người cũng cho rằng không thỏa đáng vì Thăng Long là tên cố đô trong lịch sử lại đặt cho một quận là không hợp lý. UBND thành phố cuối cùng đề xuất tên gọi của 2 quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

3. Huyện cũ nào của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội hai lần?

Vĩnh Yên
Mê Linh
Phúc Yên
Vĩnh Tường

Chính xác

Năm 1978, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng bằng việc sáp nhập các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ); huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi xem xét thấy địa giới của Hà Nội không hợp lý, phạm vi ngoại thành quá rộng với diện tích gấp 49 lần nội thành, dân số gấp hai lần nội thành, năm 1991, Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh theo hướng thu hẹp địa giới Hà Nội. Huyện Mê Linh được chuyển lại về tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Sơn Tây và các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất chuyển về tỉnh Hà Tây.

Đến năm 2008, Hà Nội lại được điều chỉnh theo hướng mở rộng. Toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được chuyển về Hà Nội.

4. Hai tỉnh nào sáp nhập nên tỉnh Hà Tây cũ?

Hà Đông, Hà Tây
Hà Đông, Sơn Tây
Sơn Tây, Hà Tây
Sơn Tây, Thạch Thất

Chính xác

Tháng 6/1965, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Trước đó, tỉnh Sơn Tây bao gồm thị xã Sơn Tây và 6 huyện; tỉnh Hà Đông gồm thị xã Hà Đông và 8 huyện. Khi hợp nhất, tỉnh Hà Tây gồm 2 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây cùng 14 huyện. Trung tâm hành chính của tỉnh được đặt tại thị xã Hà Đông.

5. Năm 1991, thị xã Sơn Tây chuyển về trực thuộc tỉnh nào?

Hà Đông
Hà Tây
Hà Nội
Vĩnh Phúc

Chính xác

Năm 1979, thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình chuyển về thành phố Hà Nội. Đến tháng 10/ 1991, thị xã Sơn Tây được tách và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây. Năm 2006, thành phố Sơn Tây được thành lập.

Tháng 8/2008, thủ đô được mở rộng địa giới hành chính gồm thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Thành phố Sơn Tây trở về với thủ đô Hà Nội.

Cuối năm đó, HĐND thành phố Sơn Tây họp bất thường ra nghị quyết đề nghị chuyển đơn vị này thành thị xã.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/huyen-nao-cua-ha-noi-duoc-tach-thanh-hai-quan-2253115.html