Huyện Lạc Thủy thực hiện đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy đạt kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy đạt kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân.

Cán bộ Bộ phận một cửa UBND huyện Lạc Thủy ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết giao dịch hành chính cho người dân.

Cán bộ Bộ phận một cửa UBND huyện Lạc Thủy ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết giao dịch hành chính cho người dân.

Huyện luôn quan tâm xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CNTT, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm xã, thị trấn. 100% máy tính sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) và mạng internet trong giải quyết công việc. 100% cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND xã, thị trấn sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Các nội dung về ứng dụng, dịch vụ CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành được tích cực triển khai. Nhiều phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ được triển khai hiệu quả; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu theo hướng đồng bộ, liên thông, hiện đại. Hỗ trợ tích cực cho công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan, đơn vị; phục vụ kịp thời việc khai thác, trao đổi thông tin một cách thuận lợi, rút ngắn thời gian xử lý công việc. Việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp và người dân không chỉ thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả mà còn giảm được quá trình đi lại, công sức, chi phí nếu phải đến các cơ quan giao dịch trực tiếp. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia; UBND huyện, 10/10 xã, thị trấn đã có Trang thông tin điện tử, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai hệ thống một cửa điện tử, rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực. Triển khai hệ thống phần mềm giám sát phản ánh kiến nghị người dân (công dân số); hệ thống phòng họp không giấy tờ; truyền hình hội nghị trực tuyến đa điểm với 12 điểm cầu (2 điểm ở huyện và 10 điểm ở xã, thị trấn); đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại hóa hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng.

Công tác đào tạo, nâng cao kiến thức về CNTT được quan tâm thường xuyên. Hàng năm mở các lớp đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, tổ công nghệ số. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng được chú trọng. Đến nay có 71 tài khoản máy tính được cài đặt hệ thống phần mềm phòng, chống mã độc quản trị tập trung VNPT - Smart IR kết nối với Trung tâm Giám sát tập trung (SOC) của tỉnh để theo dõi tình trạng đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Huyện đã, đang triển khai các dự án ứng dụng CNTT với nguồn kinh phí đầu tư cho các hạng mục trên 9,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất hệ thống CNTT chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển công nghệ. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn phụ thuộc vào việc kết nối, tích hợp của bộ, ngành nên còn thiếu đồng bộ, kịp thời...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Để việc ứng dụng CNTT được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác chuyển đổi số. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT một cách thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên nguồn vốn nâng cấp hạ tầng CNTT, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý và thực thi các chính sách về an toàn thông tin. Đẩy mạnh triển khai các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, huyện. Phối hợp mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức phụ trách CNTT của huyện và xã. Xây dựng App để tải và cài đặt dịch vụ công trực tuyến để người dân tiếp cận việc sử dụng dịch vụ công trực truyến, nộp và nhận hồ sơ trực tuyến dễ dàng hơn.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/189242/huyen-lac-thuy-thuc-hien-dong-bo-ung-dung-cong-nghe-thong-tin.htm