Huyện Kiên Lương: Sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hoạt động của cơ quan hành chính

Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC), huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) tiến hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa tại UBND huyện Kiên Lương - Ảnh: VGP

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa tại UBND huyện Kiên Lương - Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, bà Phạm Thu Nguyệt, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cho biết, công tác CCHC của huyện thời gian qua đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Sắp xếp, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước

Theo bà Phạm Thu Nguyệt, huyện Kiên Lương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và DN. Cụ thể, huyện đã kịp thời ban hành và thực hiện kế hoạch năm và kế hoạch chuyên đề về CCHC. Các TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, kể cả phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN đến liên hệ làm việc.

Quá trình tổ chức bộ máy nhà nước được sắp xếp, kiện toàn, chất lượng hoạt động từng bước nâng lên. Việc thực hiện cơ chế khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính, đã phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức viên chức và nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn, các khoản đóng góp của nhân dân, qua đó sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.

Công tác tuyên truyền về CCHC ngày càng được quan tâm. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú để người dân biết và làm quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Huyện đã chủ động bố trí đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện các bước để tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến. Số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến ngày càng tăng. Hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 99,5% so với tổng số hồ sơ TTHC phát sinh.

Bà Phạm Thu Nguyệt cho rằng, đạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Kiên Giang, Thường trực huyện ủy, HĐND huyện; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, ban ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác CCHC; sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện cải cách TTHC trên địa bàn huyện; định kỳ có kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Cán bộ, đoàn viên thị trấn Kiên Lương hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: VGP

Cán bộ, đoàn viên thị trấn Kiên Lương hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: VGP

CCHC đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả

Về một số nhiệm vụ trọng tâm CCHC đến hết năm 2023, huyện Kiên Lương xác định: Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về ban hành Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kế hoạch của Huyện ủy và UBND huyện Kiên Lương về đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong tình hình mới để công tác này được thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tổ chức đối thoại với tổ chức, DN, công dân về giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Kiên Lương.

Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân, DN đối với công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, cơ quan, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và xã.

Đồng thời, thực hiện việc kiểm soát, rà soát chặt chẽ TTHC; tổ chức niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời TTHC khi có quyết định công bố của UBND tỉnh. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp thắc mắc giữa lãnh đạo các cấp với tổ chức, cá nhân về TTHC; quản lý tốt việc phân bổ ngân sách, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện chính sách về thuế, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Khảo sát mức độ hài lòng của người dân, xin lỗi bằng văn bản khi trễ hẹn giải quyết TTHC

Huyện Kiên Lương tiến hành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân thực hiện các TTHC bằng cách nộp hồ sơ trực tuyến và thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ nay đến cuối năm 2023, 100% các cơ quan, đơn vị phải có thủ tục hành chính phát sinh được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, thực hiện giải quyết TTHC không có hồ sơ trễ hẹn.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan. Phối hợp khảo sát, điều tra mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức; chỉ đạo, theo dõi thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân về việc giải quyết TTHC bị trễ hẹn (nếu có). Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đồng bộ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin; trang bị kịp thời phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo việc ứng dụng vào các hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin song song với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong quy trình giải quyết TTHC gắn với thực hiện một cửa điện tử. Triển khai các phần mềm quản lý chuyên ngành thông suốt theo hệ thống từ huyện đến cơ sở theo chỉ đạo của tỉnh; thực hiện trao đổi văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử tại cấp huyện, cấp xã.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/huyen-kien-luong-su-hai-long-cua-nguoi-dan-lam-thuoc-do-danh-gia-hoat-dong-cua-co-quan-hanh-chinh-102231022191222589.htm