Huyện Gia Lâm: Tự hào, trang trọng các hoạt động, sự kiện văn hóa, lịch sử

Trong những ngày tháng 5 lịch sử của đất nước, trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa – lịch sử hết sức ý nghĩa.

Tối 14-5, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng - xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm trang trọng tổ chức khai mạc Hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2024.

Đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024); 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2024); chào mừng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tuần văn hóa du lịch Gia Lâm năm 2024 và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Hoành tráng, tươi vui lễ Hội Gióng Đền Phù Đổng

Hoành tráng, tươi vui lễ Hội Gióng Đền Phù Đổng

Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Việt Hà, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trương Văn Học, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo các phòng, ban, ngành và đông đảo người dân, khách thấp phương.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học nhấn mạnh: Gia Lâm là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc, mảnh đất “địa linh” sinh “nhân kiệt” và là quê hương của Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong “Tứ thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng và dân tộc Việt Nam. Đây là một lễ hội với quy mô hoành tráng, được các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá là kịch trường dân gian rộng lớn, chứa đựng nhiều triết lý nhân văn sâu sắc, mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.

Nét độc đáo của lễ hội Gióng là tính cộng đồng với Hội Trận tiêu biểu, thu hút sự tham gia đông đảo cộng đồng dân cư; được trình diễn bằng hệ thống các biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Hội Gióng Đền Phù Đổng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

Xã Phù Đổng hôm nay đang đổi thay từng ngày, mảnh đất huyền thoại, miền di sản văn hóa được trân quý này còn xứng danh là điểm du lịch Thủ đô Hà Nội. Hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2024 được tổ chức gắn với Tuần văn hóa du lịch Phù Đổng, diễn ra từ ngày 08/5/2024 đến ngày 17/5/2024 với nhiều hoạt động quảng bá nhằm phát triển du lich, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống và hiện đại, các hoạt động thể dục thể thao phong phú, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội làng Keo cho huyện Gia Lâm

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội làng Keo cho huyện Gia Lâm

Trước đó, tối 12-5, UBND huyện Gia Lâm, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn trang trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Quyết định của UBND thành phố công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023 và Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Keo năm 2024.

Đến dự có ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL; đồng chí Hoàng Trọng Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội.

Về phía huyện Gia Lâm có các đồng chí Nguyễn Việt Hà- Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Việt- Phó Bí thư TT Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trương Văn Học- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Các đồng chí trong BTV Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ huyện; lãnh đạo các phòng ban đoàn thể thuộc huyện.

Lễ hội làng Keo từ xưa đã được biết đến rộng rãi ở vùng Kinh Bắc. Dân gian vẫn luôn truyền tụng câu: “Mồng sáu hội Keo Mồng bảy hội Khám Mồng tám hội Dâu Mồng chín đâu đâu kéo về Hội Gióng”.

Làng Keo là tên Nôm xưa, nay thuộc thôn Giao Tất, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Lễ hội làng Keo được tổ chức hằng năm, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 4 Âm lịch, tại các di tích Nghè Keo, đình Dân, đình Bằng.

Lễ hội truyền thống của làng Keo ra đời từ rất sớm, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa - đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.

Bên cạnh việc thờ cúng Thành hoàng, người dân Giao Tất còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các lớp văn hóa đặc trưng của Phật giáo. Làng Keo có Chùa Keo với tên chữ là Báo Ân Trùng Nghiêm tự, thờ Pháp Vân phật - còn gọi là Bà Keo.

Lễ hội truyền thống làng Keo là sự giao hòa của tín ngưỡng - tôn giáo. Hội làng Keo được cộng đồng lưu truyền, giữ gìn qua các thế hệ với nét văn hóa, độc đáo, đặc sắc riêng: Từ việc lựa chọn nhân vật tham gia vào lễ hội như: chủ tế, trai rước kiệu, thủ hiệu, tổng cờ, hiệu chiêng... đến tên gọi của kiệu: Kiệu Nhất (rước Phật), Kiệu Nhì (rước Thánh), Kiệu Long Mã và đặc biệt là các nghi thức độc đáo có “một không hai” của Lễ hội đó là “phong áo nhà Phật”, thắng kiệu, “Nghi thức Thần đi đón Phật”...

Với những giá trị văn hóa độc đáo và tiêu biểu, Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 370/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024.

Song song với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính đến năm 2023, xã Kim Sơn đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao...

Với những kết quả đạt được, xã Kim Sơn được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Nhân dịp này, xã Kim Sơn tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống làng Keo (diễn ra từ ngày 13-5 đến ngày 15-5-2024). Tại lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trưng bày giới thiệu những đặc sản tiêu biểu của quê hương Kim Sơn...

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao khen thưởng 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống Lễ hội Làng Keo, xã Kim Sơn và 8 tập thể, 10 cá nhân tiêu biểu có thành tích trong công tác xây dựng NTM nâng cao xã Kim Sơn được UBND huyện Gia Lâm biểu dương, khen thưởng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/huyen-gia-lam-tu-hao-trang-trong-cac-hoat-dong-su-kien-van-hoa-lich-su-post576489.antd