Huyện Chợ Gạo: Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả trên là cơ sở để huyện triển khai những kế hoạch phát triển lớn hơn, dài hơn nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG NÔNG NGHIỆP

Trước đây, Chợ Gạo là huyện thuần nông với cây trồng chủ lực là lúa, thanh long và chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm qua, giá thanh long xuống thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp cộng với tập quán chăn nuôi truyền thống đã làm giảm hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vì thế, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, đặc biệt là lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, Huyện ủy xác định bên cạnh cây thanh long thì dừa là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, có lợi thế, tiềm năng phát triển, là 1 trong 2 loại cây chủ lực của huyện Chợ Gạo.

Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề: Lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện Chợ Gạo đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh dừa. Ảnh: VĂN THẢO

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do đặc tính chịu hạn, việc trồng dừa và chế biến các sản phẩm từ dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, giúp tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngay khi Nghị quyết lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo được ban hành, Phòng đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch thực hiện. Cụ thể là phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng dừa, triển khai các giải pháp chăm sóc, canh tác cây dừa trong điều kiện hạn - mặn, canh tác dừa hữu cơ thường xuyên và đầy đủ đến tận người dân…

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,39% (vượt kế hoạch đề ra), thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người/năm, giữ vững 9/9 tiêu chí huyện NTM...

Huyện đã mời gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa đạt khoảng 300 ngàn trái/ngày đêm, kinh phí đầu tư trên 460 tỷ đồng tại xã Bình Ninh.

Bên cạnh đó, huyện hiện có 78 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp và 30 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 7.000 ha dừa tập trung; trong đó, trọng tâm là cải tạo, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị kinh tế trên diện tích dừa hiện có; phát triển từ 100 đến 200 ha trồng mới chủ yếu ở hệ Ngọt hóa Gò Công, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa, màu kém hiệu quả, chịu ảnh hưởng bởi hạn - mặn sang trồng dừa có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu; chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.

Đồng thời, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng trái dừa, sản phẩm từ trái dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tập trung liên kết sản xuất - tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị sản xuất mang tính ổn định, hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả kế hoạch, đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Huyện tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa: Tiêu chuẩn hóa, nâng mức xếp hạng sản phẩm; đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP; 1 - 2 điểm du lịch cộng đồng trên cơ sở những lợi thế của địa phương.

HƯỚNG ĐẾN HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19, nhưng huyện Chợ Gạo vẫn hoàn thành đa số các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, huyện có 3 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và trong năm 2022 phấn đấu ra mắt thêm 2 xã NTM nâng cao.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho rằng: Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như dự báo những khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện đã xây dựng nghị quyết với mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra; phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao…

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch: Bố trí kinh phí thực hiện cải tạo diện tích ao khu Láng Biển để trữ nước và tạo cảnh quan khu hành chính mới, đầu tư kè kiên cố đầu vàm Kỳ Hôn (xã Xuân Đông) tạo điều kiện phát triển du lịch.

Huyện đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ trung tâm huyện, chỉnh trang đô thị thị trấn Chợ Gạo; đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường học trên địa bàn huyện; thực hiện khu tái định cư chợ và khu hành chính UBND xã Bình Phục Nhứt; tập trung kêu gọi đầu tư, tập trung quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch quản lý sử dụng đất; khai thác các khu vực lân cận TP. Mỹ Tho để phát triển các khu dân cư….

Phát huy những tiềm năng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Gạo đang nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng quê hương Chợ Gạo ngày càng giàu đẹp, văn minh.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202209/huyen-cho-gao-diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-959787/