Huyện Chợ Gạo: Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, mặn

(ABO) Trước diễn biến hạn, mặn có nhiều biến động, những ngày qua, khi mực nước nội đồng giảm nhanh, một số tuyến kinh nội đồng ở các xã hệ Ngọt hóa Gò Công (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) không còn nước sản xuất, chính quyền các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Xã Bình Phục Nhứt có 80 ha lúa, trên 300 ha màu các loại, 470 ha cây thanh long, gần 170 ha dừa. Hiện nay, nước tại các tuyến kinh sườn, kinh nội đồng đã cạn, xã còn duy nhất tuyến kinh Rạch Kiến còn nước.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt Lê Hữu Dụng cho biết, để có nguồn nước phục vụ sản xuất, xã vận động nhân dân chủ động xây dựng các điểm bơm chuyền từ kinh Rạch Kiến lên kinh nội đồng để tưới cho cây trồng nhằm giảm bớt thiệt hại trong điều kiện thời tiết hiện nay. Mặt khác, xã vận động nhân dân dùng rơm tủ gốc để tạo độ ẩm cho cây, tưới tiết kiệm.

Các tuyến kinh nội đồng khi đã có nước, các hộ dân lắp đặt điểm bơm để tưới nước cho các vườn cây ăn trái, hoa màu, nhất là diện tích thanh long. Ông Trần Văn Bền (ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt) chia sẻ, trước tình hình khó khăn về nước tưới, những hộ dân có diện tích cây trồng cần nước tưới chủ động nhường nhau, ưu tiên những diện tích cần tưới nhất để bơm chuyền nước trước rồi lần lượt đến những hộ tiếp theo nhằm duy trì năng suất các vườn cây ăn trái.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết, xã Bình Ninh có 1.500 ha đất sản xuất; trong đó, có 1.000 ha dừa, 20 ha thanh long, 4 ha màu dang chờ thu hoạch. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2019, những ngày qua để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, nhất là bảo vệ năng suất vườn dừa Mã Lai của địa phương, chính quyền xã kêu gọi nhân dân cùng chung tay đóng góp bơm chuyền nước từ hệ thống kinh Cầu Ngang vào các tuyến kinh sườn.

Hiện xã lắp đặt 6 điểm bơm chuyền nước từ kinh Cầu Ngang đi qua địa bàn 6 ấp Bình Quới Thượng, Bình Quới Hạ, Bình Phú, Hòa Lợi Tiểu, Hòa Lạc, Hòa Quới dẫn nước vào các tuyến kinh sườn để nhân dân bơm tích trữ nước vào hệ thống kinh, mương trong vườn phục vụ tưới tiêu cho diện tích cây trồng trên toàn xã. Song song đó, xã cũng chú trọng tuyên truyền nhân dân tiếp tục giữ gìn vệ sinh nguồn nước, tưới nước tiết kiệm.

Theo dự báo, sau thời gian giảm, độ mặn tăng trở lại vào con nước từ ngày 24 đến ngày 26-3 (từ ngày 15 đến ngày 17-2 âm lịch), các cống tiếp tục vận hành đóng ngăn mặn đến khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, do đó mực nước nội đồng sẽ giảm sâu hơn nữa.

Trước tình hình khó khăn về nước trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, việc tự chủ động không trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên, đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn của nhân dân các địa phương là rất cần thiết. Người dân cũng cần tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình hạn, mặn hằng ngày, chủ động trữ nước ngọt, giữ gìn vệ sinh nguồn nước và sử dụng nước một cách tiết kiệm, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích cây trồng, góp phần đảm bảo năng suất và ổn định kinh tế.

C. HƯỞNG - N. XUYÊN - P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202403/huyen-cho-gao-chu-dong-thuc-hien-cac-giai-phap-phong-chong-han-man-1006220/