Huyện chỉ đạo phá cầu tạm, hàng trăm người dân bị cô lập

Một cây cầu dân sinh được làm tạm vừa được chính quyền huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tháo dỡ để nhằm mục đích tiêu thoát lũ. Thế nhưng, việc làm này đã vô tình khiến 56 hộ dân với trên 100 nhân khẩu bị cô lập với bên ngoài, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn..

Người dân phải đi lại rất vất vả khi cầu tạm bị phá dỡ. Ảnh: Văn Thanh

Coi thường tính mạng của người dân

Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân thôn 6, xóm Lưỡi A, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa về việc chính quyền cho tháo dỡ cây cầu dân sinh duy nhất để các hộ dân đi lại, giao thương với bên ngoài. Để có lối ra của thôn, người dân tự hàn một chiếc thang bằng sắt bắc qua kênh, để qua được bờ bên kia, nhất là người già và trẻ em phải bò lổm cổm hoặc ngồi bệt xuống để trườn qua, phía bên bờ bên kia phải có một người đứng để kéo mới lên được. Chứng kiến cảnh các cụ già, phụ nữ và em nhỏ vượt qua kênh với chiếc cầu bằng thang sắt khiến không ít người rùng mình, hiểm họa về đuối nước luôn rình rập, đã có người ngã xuống kênh may được cứu kịp thời.

Tính mạng của người già, trẻ em đang nguy cơ bị đe dọa bởi cầu tạm bị phá. Ảnh: Văn Thanh

Ông Phạm Văn Nghệ, 70 tuổi, bức xúc cho biết: “Chính quyền quá vô cảm và xem thường mạng sống của người dân, khi huy động lực lượng, máy móc đến phá dỡ cây cầu tạm. Nói là cầu cho nó oai thôi, thực tế là 1 cái cống bê tông do phía công ty múc đất đặt xuống để lấy đường cho xe vận chuyển đất ra, người dân cũng được hưởng lợi đi nhờ”.

Ngồi bên bờ bên kia, ông Nghệ trầm ngâm nhớ lại: “Năm 2008, Nhà nước có chính sách giãn dân, gia đình tôi ra ở từ đó đến nay. Khi mua đất, xã yêu cầu đặt cọc 5 triệu đồng. Sau khi mua đất theo giá quy định của Nhà nước, xã thông báo là số tiền đặt cọc trên để lại làm đường điện và cầu. Tuy nhiên, để qua kênh người dân phải góp tiền mua gỗ, tre làm cầu tạm, cứ khoảng 2 năm lại phải thay cây cầu khác. Từ ngày 17/7/2017, xã xuống tháo dỡ cầu tạm không thông báo với dân, khiến cuộc sống của chúng tôi dường như bị cô lập, muốn qua kia cũng không dám đi, rất nguy hiểm. Mới đây bà Trương Thị Vân, 56 tuổi đi qua bị ngã xuống kênh, may có người cứu kịp thời”.

Người dân ở đây hằng ngày đang phải đi lại bằng những thanh sắt cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Văn Thanh

Ngồi bên cạnh, anh Lê Minh Hùng thắc mắc: “Hơn 10 năm qua, người dân chúng tôi ao ước có được cây cầu kiên cố để qua lại, nhưng đó vẫn mãi là những điều xa vời. Khi mua đất chúng tôi đã phải đóng 5 triệu đồng để làm cầu và đường điện nhưng chẳng thấy cầu đâu. Số tiền chúng tôi đóng giờ ở đâu? Từ năm 2011, Công ty TNHH Xây dựng vận tải Xuân Thanh (Công ty TNHH XDVT Xuân Thanh) vào lấy đất đồi để san lấp, họ làm cầu tạm bằng ống cống bê tông. Đến năm 2017, phía công ty không lấy đất nữa thì cầu tạm liên tiếp bị huyện thúc xã phải tháo dỡ, để khơi thông dòng chảy. Từ năm 2011 đến nay, năm nào chả có bão lụt sao huyện vẫn để cây cầu tạm ấy, khi công ty họ không lấy đất nữa thì phá dỡ. Phải chăng chính quyền chỉ coi trọng lợi ích của doanh nghiệp, còn cuộc sống của người dân chúng tôi thì phớt lờ”?.

Từ ngày cây cầu tạm bị phá dỡ cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn, rất khó khăn, nguy hiểm khi đi lại. Bà Trần Thị Tuấn, 58 tuổi nhớ lại: “Lúc đầu khi chúng tôi mới ra đây ở, các hộ đang còn ít, chúng tôi phải lội kênh để qua bên kia. Sau đó, khi có đông các hộ vào ở chúng tôi mới góp tiền làm cầu tạm. Nhà tôi có 10 khẩu, 5 đứa cháu, trong đó có 4 đứa đang học mầm non. Từ ngày cầu bị phá chúng tôi không dám để cháu tự do chạy nhảy vì sợ không may bị ngã xuống kênh. Năm học mới chuẩn bị đến nếu không có cầu thì mấy đứa cháu nhà tôi phải ở nhà vì đến trường đi học bằng cái thang sắt này rất nguy hiểm”.

Huyện chỉ đạo xã tháo dỡ cầu

Theo tài liệu của PV có được , lấy lý do để khơi thông dòng chảy, huyện Hậu Lộc liên tiếp ra công văn thúc dục tháo gỡ cầu tạm. Ngày 21/5/2017, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Long ký Công văn số 458/CV-UBND gửi Công ty THHH XDVT Xuân Thanh, Chi nhánh thủy lợi Hậu Lộc, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc về việc “Đề nghị phối hợp tháo gỡ cống dẫn tại K4+344 trên kênh 10 xã”.

Tiếp đó, ngày 23/6/2017, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Luệ ban hành tiếp Công văn số 613/CV-UBND đề nghị các bên liên quan tháo gỡ cầu tạm. Công văn nêu rõ: “Kênh tiêu 10 xã có nhiệm vụ tưới tiêu cho 2.322ha cho các xã: Đại Lộc, Thành Lộc, Cầu Lộc… Tháng 4/2011, Công ty TNHH XDVT Xuân Thanh xin được đặt 1 cống dẫn tạm trên kênh 10 xã để vận chuyển đất san lấp. Sau khi thi công xong công trình đến nay công ty vẫn chưa tháo gỡ cống dẫn tạm, bên cạnh đó khẩu diện của cống nhỏ và bị bồi lắng, nên mỗi lần bơm nước tưới cho các xã vùng dưới thường gây ách tắc, làm ngập úng một số diện tích lúa mạ…".

Đàn ông đi lại cũng khá vất vả. Ảnh: Văn Thanh

Huyện yêu cầu: Giao cho UBND xã Thành Lộc, chịu trách nhiệm chính thông báo cho nhân dân thôn 6 biết chủ động việc làm cầu để đi lại, không gây cản trở trong quá trình tháo gỡ cống nói trên. Thời gian tháo gỡ phải xong trước 5/7/2017.

Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc phân trần: “Địa phương rất khó khăn, chưa có điều kiện làm cầu cho dân. Từ ngày Công ty TNHH XDVT Xuân Thanh làm cầu vào lấy đất việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Ngày 17/7/2017, UBND huyện chỉ đạo cho Chi nhánh thủy nông và công ty múc cầu tạm, khiến người dân vô cùng bức xúc, chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà người dân phải chịu suốt thời gian qua. Mấy ngày nay do bận công tác chuẩn bị cho ngày Thương binh - Liệt sỹ nên xã chưa tập trung giải quyết nguyện vọng của các hộ. Ngay trong chiều ngày 27/7, chúng tôi sẽ làm lại cầu cho các hộ dân”.

Về việc người dân nộp 5 triều đồng tiền làm đường điện và cầu, ông Tấn cho biết thêm: “Đúng là có việc đó, thời điểm đó tôi chưa làm chủ tịch xã, tổng số tiền thu của 23 hộ là 115 triệu đồng. Số tiền đó xã thu, sau đó bàn giao lại để thôn mở rộng đường, làm cầu và đường điện”.

Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, làm đường là các hộ tự bỏ công sức ra làm. Còn số tiền bán đất của 33 hộ còn lại thông qua bán đấu giá, số tiền chênh lệch huyện trích để xã xây dựng nông thôn mới, theo các hộ dân trong đó có việc xây dựng cầu. Khi PV đề cập số tiền huyện trích lại bao nhiêu? Tại sao lại không làm cầu cho người dân thôn 6, xóm Lưỡi A, Chủ tịch UBND xã từ chối trả lời?!

Người già, trẻ nhỏ cũng đánh cược mạng sống với hà bá vì cầu tạm bị phá. Ảnh: Văn Thanh

Trao đổi qua điện thoại, chiều ngày 27/7, anh Nguyễn Văn Hải, hiện đang xây nhà dở phải dừng vì không vận chuyển được nguyên liệu thông báo: “Sau khi các nhà báo về phản ánh những khó khăn của các hộ dân, xã đã mời các hộ đến làm việc và buổi chiều cùng ngày xã tiến hành làm lại cầu tạm cho các hộ dân. Chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, theo đây vẫn là cây cầu tạm. Người dân thiết tha có một cây cầu vững chắc để yên tâm sinh sống và làm ăn. Số tiền chúng tôi đã đóng để làm cầu phải được thông báo công khai, sử dụng đúng mục đích”.

Ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Do trước đây, khu vực cầu tạm chỉ có ống cống nhỏ, nên mùa lũ nước không thể thoát được. Do đó, huyện mới chỉ đạo xã Thành Lộc móc ống cống lên để làm lại. Do đây là điểm không quy hoạch cầu nên huyện không thể bố trí xây dựng cầu cứng được. Nhân dân muốn đi lại phải đóng góp để cùng chính quyền địa phương xây dựng lại cầu tạm để đi lại. “Tôi cũng đã chỉ đạo xã sớm có giải pháp khắc phục để có đường cho dân đi lại”, ông Luệ nói.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/huyen-chi-dao-pha-cau-tam-hang-tram-nguoi-dan-bi-co-lap_t114c34n122388