Huyện Cao Lãnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

ĐTO - Trong những tháng đầu năm, huyện Cao Lãnh triển khai nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Huyện Cao Lãnh triển khai nhiều giải pháp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Huyện Cao Lãnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích lúa 3 vụ, tăng diện tích thực hiện các mô hình sản xuất luân canh, cải tạo vườn tạp, tận dụng tối đa diện tích đất trống xung quanh nhà, bờ đê, đất lề lộ... trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản...) tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập của người dân.

Huyện tập trung phát triển diện tích vùng chuyên canh cây ăn trái ven Quốc lộ 30 thêm 530ha (đạt 100% kế hoạch), trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, chanh, ổi...; có tỷ lệ áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn gắn với xây dựng mã số vùng trồng đạt 80,8% diện tích đất sản xuất; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm chanh không hạt, xoài theo hướng hữu cơ, ớt, ổi, sầu riêng,... Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các sản phẩm chế biến, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Địa phương tập trung thực hiện Dự án nâng cao năng lực cộng đồng về phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Hội Trung; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện dần sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm dùng chung của tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 46 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và có mặt trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn,...), đạt 100%; duy trì thực hiện dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” bán hàng trên website http://htx.cooplink.com.vn, minh bạch thông tin qua mã QR-code; thực hiện đồng bộ dữ liệu ngành nông nghiệp trên nền tảng số, xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh và tương tác giữa người dân với chính quyền tại xã Mỹ Xương”...

Các ngành liên quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức như: tham gia các hoạt động tại Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 đã góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP, các điểm du lịch trên địa bàn huyện; triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp lĩnh vực công thương năm 2023; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh thương mại điện tử để tăng thêm giá trị kinh tế số gắn với thúc đẩy phát triển xã hội số và chính quyền số, góp phần tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, toàn huyện có 200 cơ sở, doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; triển khai xây dựng mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương.

Trong 9 tháng đầu năm, huyện có 67 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 89,3% kế hoạch; cấp mới 450 Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, tăng 69 hộ so với cùng kỳ. Đồng thời công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư được chú trọng, đưa vào hoạt động các dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hiện toàn huyện có 11 địa điểm để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đầu năm đến nay, huyện đón khoảng 111.000 lượt khách (trong đó 1.928 khách quốc tế), tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt doanh thu khoảng 16,94 tỷ đồng; quảng bá du lịch thông qua hình thức tạo mã QR code, thực hiện bản đồ số hóa các điểm du lịch, trên cổng thông tin điện tử...

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/moi-truong/huyen-cao-lanh-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-117207.aspx