Huy động thế mạnh cộng đồng vào phát triển nông nghiệp

Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm 'Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn'. Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều tập trung vào sự cần thiết phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đã đến lúc “hòa mình” vào quỹ đạo của thế giới

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong rằng những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.

Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả ở Hà Giang.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn.

“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Tiếp theo, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các nhà kinh tế hay nói về chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường hay nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp không phải là vì cây lúa hay con heo mà là vì nông dân là chính. Vì thế, phát triển ngành Nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp với chính sách và giải pháp hành chính.

Ông Phát nói thêm: “Bài học mà chúng ta rút ra mấy chục năm vừa qua là phải dựa vào nông dân, phát huy vai trò tập thể, doanh nghiệp thể để phát triển kinh tế tốt hơn. Làm thế nào để mục tiêu này đạt được hiệu quả cao hơn, đó là lý do chúng ta ngồi đây để cùng chia sẻ trong tọa đàm hôm nay”.

Tại buổi tọa đàm, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng.

Trong đó, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu. HTX phi nông nghiệp dẫn dắt kinh tế hộ phát triển ngành nghề. Vùng đồng bào dân tộc cho các tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, khai thác dịch vụ trồng rừng, bảo vệ biên giới, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất.

Sự chủ động là yếu tố đầu tiên để phát triển cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP chia sẻ, Chương trình tài trợ nhỏ UNDP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội 183 dự án cộng đồng tại 45 tỉnh, TP.

Trong đó, hỗ trợ hàng trăm cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sinh kế dưới tán rừng (các loại cây thuốc), bảo tồn các giống, loài quý hiếm (rùa biển, voọc..), bảo vệ nguồn lợi thủy sản, san hô, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý rác thải, rác thải nhựa và du lịch cộng đồng. Bà Huyền cho rằng, để phát triển cộng đồng và phát huy hiệu quả sức mạnh và tiềm năng cộng đồng, cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu và sức mạnh cộng đồng để hành động thực thi chương trình, dự án một cách chủ động, lâu dài và bền vững.

Về mục tiêu, cần phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình, dự án theo pháp luật trên nền tảng tâm lý, phong tục tập quán và truyền thống bản địa. Ngoài ra, về phương châm, cần xác định hệ công cụ phù hợp; dựa vào các tổ chức chính trị xã hội, từng người và nhóm người, không cào bằng về hỗ trợ, chính sách.

Đại diện cho các địa phương, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh đang có các mô hình phát triển du lịch cộng đồng rất hiệu quả. “Hà Giang đang có 16 làng du lịch cộng đồng với đặc thù riêng nhưng tinh thần chung là du lịch cộng đồng xung quanh các sản phẩm OCOP, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, nhờ có sự quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông mà tỉnh mới có được những thành công bước đầu này. Tuy nhiên, để nhân rộng hơn các mô hình này, ông Long cho rằng cần thêm nhiều yếu tố, nhiều đơn vị cùng tham gia.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra quan điểm, để xây dựng được mô hình cộng đồng tốt không thể quên sự liên kết và giúp đỡ nhau về phát triển kinh tế, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lấy ví dụ tại Đắk Lắk, nơi đang chủ trương xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, giúp người dân có nghề và ổn định sản xuất, ông Văn nhìn nhận, nhu cầu đảm bảo cuộc sống là rất cấp bách với đại bộ phận người dân. Bên cạnh những mô hình về văn hóa, du lịch, phát triển cộng đồng rất cần sự ổn định từ sinh kế, trong đó không thể không kể tới vai trò của nông nghiệp.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/huy-dong-the-manh-cong-dong-vao-phat-trien-nong-nghiep-i704013/