Huy động nguồn lực chăm lo cho trẻ em

Với quan điểm dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, Phú Yên đã ưu tiên nhiều nguồn lực chăm lo cho những mầm non của quê hương, đất nước.

Trẻ em biểu diễn văn nghệ nhân lễ phát động tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 tại huyện Tây Hòa. Ảnh: KIM CHI

Trẻ em biểu diễn văn nghệ nhân lễ phát động tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 tại huyện Tây Hòa. Ảnh: KIM CHI

Trong năm 2023, ngoài nguồn ngân sách, tỉnh đã vận động được hơn 2 tỉ đồng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Nhiều hoạt động thiết thực

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giáo dục, vận động… được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Nhiều hoạt động vì trẻ em được các sở, ban ngành, địa phương triển khai rộng khắp như: Tổ chức tháng Hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, tết Trung thu; bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em…

Thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, nhiều hoạt động như phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật vận động, hỗ trợ học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập, sữa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã đến được với hơn 2.000 trẻ em trong toàn tỉnh.

Em Trương Mộng Quỳnh, 15 tuổi (thôn Đồng Thạnh, xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) bị tim bẩm sinh nên cơ thể yếu ớt, nhưng em vẫn cố gắng trong học tập và nỗ lực trong cuộc sống.

Quỳnh cho biết: Cha mẹ em ly hôn mấy năm nay, em ở với bà ngoại gần 70 tuổi. Cuộc sống của hai bà cháu thiếu thốn nhiều thứ nhưng em cố gắng học hành chăm chỉ để tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Được các nhà hảo tâm, đơn vị hỗ trợ cho em và gia đình, em rất vui, có thêm động lực vươn lên.

Ông Lê Vĩnh Thái, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX Đông Hòa, cho biết: Hiện nay trên địa bàn Đông Hòa vẫn còn 292 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm qua, thị xã đã triển khai nhiều hoạt động giúp trẻ em như: Tổ chức các diễn đàn trẻ em, các buổi giao lưu, tuyên truyền, tư vấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ.

Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí nhằm thu hút, phát huy quyền tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa; đẩy mạnh phong trào xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em để thu hút nguồn lực xã hội thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tại các địa phương khác, nhiều hoạt động vì trẻ em cũng được triển khai như: Huyện Tây Hòa phối hợp phát động tháng Hành động vì trẻ em năm 2023, với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” và tổ chức chương trình “Điều ước cho em”; huyện Đồng Xuân tổ chức chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai”, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp trẻ em vượt qua khó khăn…

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2023 tại TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2023 tại TP Tuy Hòa. Ảnh: KIM CHI

Đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Được sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác trẻ em, các sở, ban ngành, đoàn thể, gia đình… đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Từ những chính sách và chương trình hành động vì trẻ em được ban hành, đưa vào cuộc sống, các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được giải quyết; an sinh xã hội dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được đảm bảo; quyền trẻ em nói chung, quyền tham gia của trẻ em nói riêng được các cấp, ngành thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Mạng lưới bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội đã hình thành và ngày càng phát triển. Môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có sự chung tay góp sức không hề nhỏ của cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, kỹ năng chăm sóc trẻ của gia đình và cộng đồng hiện còn hạn chế; công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn còn giới hạn...

“Năm 2024, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức trong Nhân dân, gia đình, nhà trường về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đồng thời thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ cho các đối tượng. Tỉnh tiếp tục triển khai chương trình dạy bơi an toàn miễn phí cho trẻ em tại cộng đồng, ưu tiên trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…”, bà Hiền cho biết.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt từ 1-1,5 tỉ đồng; 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/312238/huy-dong-nguon-luc-cham-lo-cho-tre-em.html