Huy động không ảnh hưởng nhiều từ cách tính lãi mới

Ghi nhận của Thời báo Ngân hàng cho thấy những quy định về cách tính lãi suất huy động quy đổi theo năm của NHNN theo Thông tư 14 được nhiều NHTM cho rằng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn của các TCTD.

Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2017 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa TCTD với khách hàng. Theo đó, lãi suất được tính theo phương pháp quy đổi theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày.

Cách tính lãi suất mới sẽ tạo bình đẳng trong cạnh tranh huy động vốn

Tích hợp nhiều văn bản pháp lý

Quan sát cho thấy, việc NHNN thay đổi cách tính lãi suất đối với hoạt động nhận tiền gửi và cho vay của TCTD mục đích đầu tiên là tạo ra sự phù hợp giữa các quy định của ngành NH với các quy định mới trong Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, hiện nay theo những quy định tại Quyết định 652/2001 của NHNN, thời gian chuẩn tính lãi theo năm được quy định 1 năm bằng 360 ngày. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời gian một năm là 365 ngày.

Chính vì vậy, việc thống nhất quy định 1 năm là 365 ngày sẽ tạo ra cơ sở để các NHTM đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời thống nhất cách thức xử lý những vướng mắc, tranh chấp về lãi suất giữa NH với khách hàng gửi tiền hoặc khách hàng vay vốn.

Việc quy định phương pháp tính lãi suất dựa trên cơ sở quy ước 1 năm là 365 ngày trong Thông tư 14 ngoài việc tích hợp với Bộ luật Dân sự 2015 còn tạo nên sự thống nhất trong hệ thống các văn bản liên quan đến quy định về lãi suất của NHNN. Cụ thể, trước khi ban hành Thông tư 14, NHNN cũng đã ban hành các Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của các TCTD, Thông tư 43/2016 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Cả hai văn bản này NHNN đều thống nhất quy ước thời gian 1 năm được tính bằng 365 ngày. Trong trường hợp lãi suất cho vay được thỏa thuận giữa các bên thì trong hợp đồng cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (1 năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế.

Do vậy, quy ước về số ngày trong năm làm căn cứ tính lãi suất tại Thông tư 14 thực chất chỉ là nhắc lại các quy định pháp lý đã được nhiều văn bản luật trước đó thể hiện, nhằm thống nhất cách xử lý khi phát sinh các tranh chấp về lãi suất trong huy động và cho vay vốn của các TCTD.

Không ảnh hưởng nhiều đến thị trường

Ghi nhận của Thời báo Ngân hàng cho thấy những quy định về cách tính lãi suất huy động quy đổi theo năm của NHNN theo Thông tư 14 được nhiều NHTM cho rằng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn của các TCTD.

Đại diện VietCapital Bank cho rằng, từ tháng 3/2017, các NHTM thực hiện theo Thông tư 39/2016 của NHNN thì cách tính lãi suất cho vay đã được nhiều NH áp dụng theo hình thức quy đổi theo lãi suất theo năm (mỗi năm bằng 365 ngày). Đối với các NHTM dùng hệ thống core T24, việc chuyển đổi công thức tính lãi suất không có gì khó khăn vì chỉ cần bộ phận IT xác lập lại các thông số là có thể thực hiện được ngay mà không phải mua lại hay nâng cấp phần mềm.

Theo vị đại diện này, khi áp dụng cách tính quy đổi 1 năm bằng 365 ngày, tính cho kỹ thì người gửi tiền sẽ bị thiệt một chút về tiền lãi thu được. Chẳng hạn trước đây các NHTM áp dụng công thức tính lãi suất tiết kiệm là: Tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x Số ngày gửi thực/360. Nay nếu áp dụng số ngày trong năm là 365 thì người gửi tiền bị thiệt thêm 5 ngày. Có nghĩa là số lãi nhận được hàng năm giảm đi một chút. Tuy nhiên, cách thống nhất về số ngày trong năm này áp dụng cho cả hoạt động vay vốn. Vì thế phần lợi mà các NHTM nhận về cũng không đáng kể. “Nếu biên lợi nhuận 2%/năm thì thực ra NH lợi được 2%/360x5 tức chỉ được 0.0002%. Vì thế cũng không đáng kể” – vị này cho biết.

Trong khi đó, một giám đốc phòng giao dịch SeABank tại khu vực TP.HCM cho rằng, việc áp dụng cách tính lãi suất quy đổi theo năm như Thông tư 14 sẽ tạo nên sự công bằng và bình đẳng trong cạnh tranh huy động vốn của các NHTM. Bởi hiện nay, mỗi NH áp dụng một cách tính lãi suất khác nhau dựa trên cơ sở quy ước 1 năm = 12 tháng và = 360 ngày. Theo đó một số NH áp dụng công thức tính: Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (% năm) x Số ngày gửi thực/360; một số NH khác lại áp dụng công thức: Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (% năm) x Số tháng gửi/12. Vì vậy, số tiền lãi tính ra có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn khách gửi 220 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng (từ 10/10/2017 đáo hạn 10/11/2017), lãi suất 8,8%/năm thì nếu tính theo cách thứ 2 số lãi một năm thu được chỉ là 20.973.333 đồng, kém hơn một chút so với mức 21.296.000 đồng của cách tính thứ nhất.

Tuy nhiên, nếu nay các NHTM áp dụng cách tính quy đổi theo lãi suất năm (1 năm 365 ngày) thì NHTM và khách hàng vẫn có thể chọn lựa cách tính lãi suất tiết kiệm theo tháng như cách thứ 2 ở trên mà vẫn đảm bảo đáp ứng được quy định của NHNN, mà người gửi tiền cũng không bị thiệt nhiều. Chính vì vậy, vị giám đốc này cho rằng việc quy định cách tính lãi quy đổi theo năm của Thông tư 14/2017 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc huy động vốn của các TCTD.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/huy-dong-khong-anh-huong-nhieu-tu-cach-tinh-lai-moi-68978.html