Huy động cộng đồng chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã

Trong 2 ngày 15, 16/11, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo “Huy động sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương vào phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã: Không chỉ là thực thi pháp luật”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc, ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực Indo-Burma cho biết, hiện nay, ở khu vực Đông Nam Á, tình trạng săn bắn động vật hoang dã gia tăng. Hầu hết các nỗ lực trong phòng, chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã chủ yếu tập trung vào tăng cường thực thi pháp luật và giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã. Trong khi đó, có rất ít nỗ lực tập trung vào vai trò của những người dân sống gần gũi các loài động, thực vật hoang dã.

Việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong khu vực cũng như các nghiên cứu điển hình từ các nước khu vực châu Á, đặc biệt là khu vực Hạ Mê Kông giúp nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng việc tham gia của các cộng đồng bản địa và địa phương; tìm cách hỗ trợ, khuyến khích và tăng cường sự tham gia của họ trong phòng chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã cũng như nỗ lực bảo tồn chúng.

Tại hội thảo, vấn đề huy động cộng đồng tham gia phòng chống buôn bán trái phép động - thực vật hoang dã được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Theo TS.Rosie Cooney, Chủ tịch Nhóm Chuyên gia Sinh kế và sử dụng bền vững IUCN cho biết: Về lâu dài, tương lai của các loài động, thực vật hoang dã phụ thuộc vào cộng đồng địa phương sống gần gũi với chúng. Nếu những cộng đồng này không được trao quyền, khuyến khích về cả quyền và lợi ích để tham gia bảo tồn các loài hoang dã thì việc săn bắn và buôn bán động, thực vật hoang dã sẽ tiếp tục đẩy các quần thể động, thực vật ngày càng xuống cấp.

Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương đóng một vai trò quan trọng, đảm bảo quá trình khai thác và buôn bán động, thực vật hoang dã được quản lý một cách hiệu quả. Bằng cách hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và hợp lý có thể đáp ứng được nhu cầu cần thiết của con người về an ninh lương thực, kinh tế và sức khỏe tại các nước khu vực sông Mê Kông và rộng hơn nữa tại các nước khu vực Đông Nam Á.

TH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/huy-dong-cong-dong-chong-buon-ban-trai-phep-dong-thuc-vat-hoang-da_t114c1159n112054